Chiến lược CNH đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Chiến lược đã lựa chọn 6 ngành công nghiệp là chế biến nông, thủy sản; điện tử; ô tô và phụ tùng ô tô; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu; máy nông nghiệp để tập trung ưu tiên phát triển trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam.
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện Chiến lược đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định như thu hút đầu tư nước ngoài vào 6 ngành tăng và chiếm trên 27% tổng vốn đăng ký từ năm 2013 đến tháng 3/2019. Các ngành được ưu tiên phát triển đã có đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp và kinh tế của đất nước.
Sự phát triển của các ngành trong Chiến lược đã thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn ngành điện tử, sản xuất ô tô…, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo – đánh giá, thời gian qua, các ngành được ưu tiên phát triển trong Chiến lược đã có sự đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung. Đây cũng là động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra rằng, một số ngành công nghiệp tập trung ưu tiên vẫn chưa có sự bứt phá. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm ở các ngành này còn thấp. Nguyên nhân là do chính sách về huy động nguồn lực, thuế chưa hoàn thiện; chưa phát huy được vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong tham gia phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp… Việc hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị giữa Việt Nam và Nhật Bản còn lúng túng, chưa cụ thể và chưa có các giải pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành phải đẩy mạnh thực hiện Chiến lược CNH một cách thực chất, hiệu quả. Phó Thủ tướng giao các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông và Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát nội dung từng Kế hoạch hành động phát triển 6 ngành để kiến nghị Ban Chỉ đạo kịp thời điều chỉnh, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp; thực hiện nghiêm túc định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra khó khăn, bất cập về chính sách, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và kiến nghị Ban Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời…