Triển khai 7 mô hình thí điểm
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, để triển khai Đề án, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, với sự tham gia của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài chính, TN&MT; Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), đại diện lãnh đạo 12 tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bộ đã xây dựng Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL và Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án. Hiện, Bộ đang làm việc với WB và 12 địa phương để hoàn thiện ý tưởng dự án vốn vay hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Bộ cũng đã tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng trong 3 vụ, đến vụ Đông Xuân năm 2025 sẽ tổng kết để công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa. Theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án trong vụ Hè Thu năm 2024 tại TP Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực, như tổng chi phí đầu vào giảm 10 - 15%. Lợi nhuận mô hình thí điểm đạt 21 - 25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng. Mô hình thí điểm đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn gặp những khó khăn nhất định. Để thúc đẩy triển khai Đề án bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại Kỳ họp tháng 10/2024 cùng một số kiến nghị khác.
Tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành đều khẳng định sẽ cùng đồng hành với Bộ NN&PTNT trong quá trình triển khai Đề án theo tinh thần của Thủ tướng là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Các Bộ, ngành đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương tính toán, làm rõ nguồn vốn thực hiện Đề án; chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ trồng lúa chất lượng cao; xác định vùng đầu tư lúa năng suất, chất lượng cao để làm cơ sở cho việc triển khai Đề án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại “vùng đất Chín Rồng” vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa và doanh nghiệp; giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tán thành với các ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Trung ương, địa phương, người nông dân và doanh nghiệp trong triển khai Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT giữ vai trò điều phối, chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền. Phó Thủ tướng nhấn mạnh còn nhiều việc cần triển khai và đề nghị Bộ NN&PTNT phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức triển khai, sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ, nội dung công việc.
Về dự án vay vốn của WB, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT làm rõ các hạng mục đầu tư, nội dung công việc, bảo đảm thống nhất, không trùng lắp, không chồng chéo với những nội dung đã và sẽ được các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tư; bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.