Nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới
Toàn xã Dìn Chin hiện có 708 hộ với 3.830 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, Mông và một số dân tộc khác cùng sinh sống.Tổng số hộ nghèo 202 hộ, chiếm 28,53 %. Hộ cận nghèo 329 hộ, chiếm 46,47 %. Thu nhập bình quân 20,13 triệu đồng/người/năm. Số lao động từ 15 tuổi trở lên 2.240, số lao động có việc làm 2.017 người, bằng 90%. Nguồn lao động trên địa bàn xã hầu hết là lao động nông nghiệp và chưa qua đào tạo.
Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt được coi là cản trở lớn trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thời tiết nắng nóng, tình trạng khan hiếm nguồn nước; địa hình phức tạp khiến đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con nhân dân. Thêm vào đó, chất lượng lao động tại địa phương còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Những yếu tố này đã khiến Dìn Chin trở thành một trong những xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai.
Đường vào xã Dìn Chin. |
Xác định tập trung xây dựng nông thôn mới là chìa khóa làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó việc xây dựng hạ tầng cơ sở là nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng của xã.
Đến nay, trên địa bàn xã có 1 tuyến quốc lộ (QL4 Mường Khương – Hà Giang) đi qua, 1 tuyến đường huyện mặt đường cấp phối đá dăm đã xuống cấp nghiêm trọng với chiều dài 8km; 10 tuyến đường GTNT, trục thôn với tổng chiều dài 32,435km, trong đó: Đường BTMX gồm 9 tuyến với tổng chiều dài 25,735km; Đường cấp phối đá dăm 01 tuyến dài 6,7km.
Hệ thống thủy lợi được từng bước đầu tư xây dựng phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân. Toàn xã có 10 công trình thuỷ lợi, với 10 đập đầu mối kiên cố; 21,5 km kênh mương kiên cố dẫn nước tưới cho 162,48 ha diện tích trồng lúa và hoa màu các loại. Xã có 13 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và các công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu cho 662 hộ dân, đạt 95,53% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống điện lưới Quốc gia đã được đầu tư đảm bảo trên toàn xã, tỷ lệ hộ dùng điện đạt sấp xỉ 100%.
Hiện xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, Dìn Chin vẫn là 1 trong 10 xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tỉ lệ hộ nghèo rất cao. Do vậy, việc tìm hướng đi đúng để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ và Nhân dân trăn trở.
Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Tận dụng những lợi thế trong phát triển nông nghiệp, những năm qua Đảng bộ và Nhân dân xã Dìn Chin đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, thực hiện trồng chè tập trung tại các thôn Lồ Sử Thàng, Ngải Thầu, Cốc Cáng, Mào Sao Chải. Phát triển thành công vùng chè: người dân có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên; nâng cao thu nhập, đời sống và thoát nghèo bền vững. Trồng chè cổ thụ tại các thôn Cùng Lũng, Lùng Sán Chồ để sau này thành chè cổ thụ (nâng cao giá trị thu nhập và hoàn thành mục tiêu trồng rừng bảo vệ môi trường). Trồng cây quế, cây Trẩu tại các khu vực vùng thấp, bình quân mỗi năm 20ha. Liên kết với nhà máy chế biến chè dự kiến xây dựng tại xã Lùng Khấu Nhin.
Về chăn nuôi, xã phát triển chăn nuôi bò kết hợp với trồng cỏ theo hướng gia trại, trang trại nhằm hình thành 10 - 15 trang trại quy mô nhỏ. Phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa.
Xã đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người khoảng 40 triệu đồng/năm (Tương đương với các xã vùng thấp hiện nay) đưa Dìn Chin thành xã có mức sống trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 8%/năm, đến năm 2025 còn 20,5%.
Theo Bí thư huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, cần có sự chung tay giúp đỡ từ nhiều nguồn với nhiều hình thức khác nhau. Huyện mong muốn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc, chung tay giúp đỡ các xã nghèo bằng các hình thức như đầu tư sản xuất nông nghiệp có sử dụng lao động là người dân các xã nghèo; tiêu thụ sản phẩm cho người dân; đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội,... Đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào huyện Mường Khương trên các lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại,... đặc biệt là ở vùng có các xã nghèo.