Theo Bộ Công an, tình hình an ninh, trật tự khu vực nông thôn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, đặc biệt là sự gia tăng của các mâu thuẫn, tranh chấp; hoạt động của tội phạm ma túy, hình sự… Trong khi đó, lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay chưa đủ mạnh, yếu về chất lượng, thiếu về số lượng; chế độ, chính sách chưa tương xứng với công việc, nên đã có nhiều Công an xã xin nghỉ việc hoặc bỏ việc.
Để bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, Công an cấp huyện đã tăng cường lực lượng Công an chính quy trực tiếp xuống xã để giải quyết các vụ việc và tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Qua tổng kết 6 năm thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy tại xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, Bộ Công an cho biết: Công an địa phương đã bố trí 693 Trưởng Công an xã, 367 Phó trưởng Công an xã và 230 Công an viên đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
Lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; chủ động nắm tình hình; giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và các vụ việc về an ninh, trật tự tại cơ sở. Qua đó tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế và giảm, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chẳng hạn như tại Kon Tum, qua triển khai thí điểm việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã trên toàn địa bàn tỉnh, tình hình an ninh, trật tự có chuyển biến rõ rệt, số vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự giảm so với cùng kỳ năm 2018 (khi chưa bố trí Công an xã chính quy); được cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Với những lý do trên, việc ban hành Nghị định quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay. Theo đó, Dự thảo quy định vị trí, nguyên tắc hoạt động, lộ trình bố trí Công an chính quy, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (Công an xã chính quy).
Cụ thể, đối với các xã hiện đang thiếu Trưởng Công an xã (công chức cấp xã) do nghỉ việc, chuyển công tác khác thì Trưởng Công an cấp huyện báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh, quyết định bổ nhiệm, điều động Công an chính quy thay thế.
Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, Trưởng Công an cấp huyện tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp có kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp công tác khác đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực (lực lượng bán chuyên trách) để điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (hoàn thành trước ngày 31/12/2020).
Đối với các xã không phải là trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì căn cứ tình hình an ninh, trật tự của địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, có kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp công tác khác đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thường trực (lực lượng bán chuyên trách hiện nay) và có chính sách giải quyết phù hợp, không bổ nhiệm Trưởng Công an xã hoặc Phó trưởng Công an xã (công chức cấp xã) do nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác để bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (hoàn thành trước ngày 31/12/2021).
Đối với Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực chưa sắp xếp, bố trí được công tác khác và Công an viên ở thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã, thị trấn (là những người hoạt động không chuyên trách) vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội do Trưởng Công an xã giao và hưởng các chế độ chính sách theo Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác.