Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh 'bày mưu' để có Huy chương Vàng Olympic

Tính tới thời điểm hiện nay, tấm HCV Olympic duy nhất của thể thao Việt Nam do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được. (Nguồn: TTVN)
Tính tới thời điểm hiện nay, tấm HCV Olympic duy nhất của thể thao Việt Nam do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được. (Nguồn: TTVN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là vận động viên (VĐV) duy nhất của thể thao Việt Nam có được tấm Huy chương Vàng danh giá Olympic. Trên cương vị huấn luyện, ông đã có nhiều tâm tư, sẻ chia để mong thế hệ tiếp nối có thêm tấm huy chương Olympic.

Là một người hoạt động lâu năm trong đội tuyển quốc gia, ông có thể chia sẻ nhìn nhận về lý do chúng ta chưa có thêm huy chương tại Olympic?

- Thực tế cho thấy nhiều năm qua Đội tuyển bắn súng quốc gia tuy đã có huy chương ở các cấp độ châu lục và thế giới nhưng cách chúng ta đang làm chỉ giải quyết phần ngọn. Đó là chúng ta chỉ tập trung cho một số VĐV có kinh nghiệm vượt trội lên tuyển để tập trung và đầu tư. Số còn lại không được ưu tiên và không có người huấn luyện chuyên sâu và phụ trách để giúp cho họ đuổi kịp hay kế cận. Mặt khác, chúng ta không khai thác hay sử dụng các huấn luyện viên (HLV) của Việt Nam có thành tích và có trình độ để huấn luyện các VĐV trẻ cũng như trong đội tuyển quốc gia. Tất cả đều giao hết cho một HLV. Bắn súng có nhiều nội dung, sở trường khác nhau, vì vậy một số nước họ không làm như chúng ta. Họ phân thành từng mảng từng người phụ trách từng tổ, thậm chí các HLV ở địa phương có VĐV lên tuyển họ sẽ lên theo để theo dõi VĐV đó phát triển ra sao.

Vậy cách làm của chúng ta có nhiều “lỗ hổng” và thiếu khoa học, chuyên nghiệp sao, thưa ông?

- Quay lại cách làm của bắn súng Việt Nam vẫn mang tính bảo thủ và không rõ ràng trong trách nhiệm huấn luyện. Tất cả đều quy đồng cho việc bộ phận nào có thành tích thì coi đó là đội tuyển bắn súng đã hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, chúng ta không những cào bằng về chế độ ưu đãi hay điều kiện tập luyện mà còn né tránh, dẫn đến không có nhiều VĐV như: Thu Vinh hay Quang Huy, Mộng Tuyền...

Trong chủ trương thuê chuyên gia để làm việc, chúng ta đã làm trong một thời gian dài nhưng thực tế khâu thẩm định chưa chặt chẽ và nhất quán. Việc thẩm định chuyên gia liên quan đến trình độ bằng cấp, kinh nghiệm thi đấu, thành tích, kinh nghiệm huấn luyện đội tuyển quốc gia và quốc tế... Vấn đề này chúng ta đang sơ sài và không có chiều sâu.

Vậy khi nhìn thấy vấn đề, chúng ta cần làm gì để bắn súng Việt Nam có tiếng vang ở đấu trường quốc tế?

- Trước đây, chúng ta do yếu kém cơ sở vật chất và điều kiện tập huấn thi đấu hạn chế, ít cơ hội tiếp xúc với nền bắn súng hiện đại trên thế giới. Đến nay, cơ bản bắn súng đã thay đổi, Luật Bắn súng cũng thay đổi để phù hợp với sự cạnh tranh công bằng hơn, do vậy các nước yếu sẽ có thể tranh chấp huy chương tại đấu trường lớn. Xét về khía cạnh cá nhân những VĐV xuất sắc của Việt Nam sẽ có thể có cơ hội tranh chấp nhiều hơn. Bắn súng cần làm một cách minh bạch, rõ ràng hơn, đổi mới hơn cả về phương pháp lẫn chiều sâu chất lượng để có nhiều VĐV kế tiếp liên tục mà không bị “lỗ hổng”. Như vậy, chúng ta sẽ yên tâm đề ra chỉ tiêu rõ ràng và cụ thể một cách chính xác hơn chứ không phải chung chung là phấn đấu có huy chương hay vượt lên chính mình như chúng ta vẫn thường dùng.

Xin cảm ơn ông và chúc cho bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương tại Olympic kỳ tới.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.