Xả rác mọi lúc, mọi nơi
Không khó để chứng kiến cảnh người dân vô tư xả rác bừa bãi ngay trên chính vỉa hè, lề phố, nơi công cộng, từ người ngồi trên xe gắn máy, xe ô tô, xe buýt, xe du lịch, đến người đi bộ hay người có nhà mặt phố. Thiếu ý thức bảo vệ môi trường, các gia đình sống dọc hai bên đường đều mang túi rác ra đường vứt.
Những cụm từ hay các biển cấm “Không xả rác bừa bãi!” hay “Hãy bỏ rác vào thùng!” tại những nơi công cộng như bệnh viện, công viên... đã trở thành những “điệp khúc” lặp đi, lặp lại đối với tất cả chúng ta nhưng chỉ ít người thực hiện.
Tác hại của việc vứt rác bừa bãi không chỉ làm làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, mà còn gây mất mĩ quan đô thị, thành phố, làm cho hệ thống cống rãnh bị nghẽn tắc, gây ra ngập úng. Hơn thế nữa, xả rác bừa bãi còn là nguyên nhân gây nên nhiều mầm mống bệnh tật.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện nay. Người dân giành giật mua khẩu trang, cố gắng ngăn chặn dịch bệnh nhưng dùng xong lại vứt bỏ tùy tiện khiến những chiếc khẩu trang có thể trở thành mầm bệnh.
Biểu tượng chiến thắng B52 trên đường Định Công, Hà Nội biến thành nơi đổ rác. |
Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương tăng cường truyền thông, đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Quy định chồng chéo trong xử phạt
Hiện nay có hai văn bản quy định về chế tài xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi. Cụ thể, tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 167) và điểm c, d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Điểm b, c, d Điều 7 Nghị định 167 quy định, khi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Điểm c, d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155 phạt tiền từ 3 triệu đồng đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Trong đó, nếu vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
Sự chồng chéo trong quy định của cả hai Nghị định dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng luật để xử phạt. Theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau và có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, Nghị định 155 được áp dụng để xử phạt.
Ngoài việc quy định quá nhiều đối tượng có thẩm quyền lập biên bản nhưng lại không có lực lượng thường trực, căng trên đường để thực hiện lập biên bản xử lý vi phạm thì người vứt rác lén lút vứt rác vào buổi tối, ban đêm, hay hành vi rất nhanh khi từ trên xe quăng rác xuống đường nên không thể bắt quả tang, lập biên bản thì các quy định về mức xử phạt hiện đang bất cập, không thể thực hiện được.
Mức xử phạt đối với các trường hợp vứt rác kể trên theo Nghị định 155 là từ 3-7 triệu đồng, nhưng quy định về mức xử phạt của một số cơ quan chức năng lại “vênh” với mức phạt này. Ví dụ, Điều 49 Nghị định 155 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân thì chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500 nghìn đồng.
Trạm trưởng, Đội trưởng của người này có quyền phạt tiền đến 1,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 2,5 triệu đồng.
Như vậy, những người này không thể xử phạt mức phạt từ 3-7 triệu đồng. Theo quy định, chỉ có Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ mới có quyền xử phạt. Nhiều ý kiến nhận định, lực lượng thực thi nhiệm vụ gần dân nhất mà không thể xử phạt hành vi vứt rác ra đường thì các cơ quan chức năng cần xem xét, quy định lại cho khả thi.