Xá lợi Phật là gì?
Xá lợi là những hạt nhỏ, có dạng viên tròn, hình thành sau khi thân thể của người tu đắc đạo được đem hỏa táng. Xá lợi còn có nghĩa là những hạt nhỏ trông giống ngọc trai hay pha lê, được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị cao tăng Phật giáo mà khoa học hiện đại chưa giải thích được nguyên lí hình thành của các hạt xá lợi này.
Tuy nhiên, theo các bậc đạo sư phái Thiền, Tịnh, Luật, Mật của Phật giáo thì xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện và là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn thể hiện trí tuệ minh triết, mang lại lợi ích cho cả nhân gian.
Đây là các bảo vật của thế giới Phật giáo, của tăng ni, Phật tử. Sự tín ngưỡng và tôn thờ xá lợi giúp cho người Phật tử thăng tiến trên đường tu, có người tôn thờ xá lợi, tín ngưỡng xá lợi Phật như tôn thờ Đức Phật sanh tiền, nên các vị rất tinh tấn tu hành và thêm phần phước huệ rất cao cả.
Xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện của các vị cao tăng có tấm lòng đại từ đại bi, luôn thể hiện trí tuệ minh triết, mang lại lợi ích cho nhân gian |
Người tín ngưỡng xá lợi Đức Phật tự nghĩ rằng: Phật giáng thế thì ta vô minh; Phật tịch diệt thì ta mới được sanh ra, nên tín ngưỡng tôn thờ xá lợi Phật xem như Phật hiện tiền.
Nói đến xá lợi, xưa người ta chỉ nghĩ đến xá lợi của Đức Phật mà thôi. Cho đến khi Phật pháp được lan tỏa khắp hoàn cầu, người Phật tử tín ngưỡng thêm xá lợi chư Thanh văn A la hán đại đệ tử của Đức Phật. Ngoài ra còn có những vị Thánh Tăng và các vị Đạo Sư tu hành đạo cao đức cả, chư tôn đức Pháp chủ, Tăng chủ, Tông chủ, các bậc Thầy tổ sau khi thị tịch đem làm lễ trà tỳ, các đệ tử cũng thâu được nhiều phần tinh thể của các vị còn lại gọi là xá lợi.
Bảo tháp xá lợi Phật |
Tất cả những đồ dùng thuộc di tích của Phật và các vị Thánh Tăng như pháp y, bình bát, chuỗi tràng, tích trượng,...hoặc răng, móng, tóc của các bậc đạo sư Phật giáo đang hành đạo, lúc tuổi niên cao lạp trưởng ban cho đệ tử tôn thờ đều gọi là xá lợi.
Hiện nay ở Myanmar, người ta còn thờ tóc và móng tay của Đức Phật khi sanh tiền đã cắt cho Bạc Lệ Ca, Da Lễ Phù Ba, hai vị đệ tử tại gia đầu tiên. Trong kinh tạng Nam tông Phật giáo thường đề cập đến “xá lợi xương, xá lợi răng và ngọc xá lợi,...” (theo Trường A Hàm, phẩm Đức Phật nhập Niết bàn, quyển 1).
Ánh sáng lung linh huyền bí của xá lợi Phật như sự minh chứng cho Phật pháp nhiệm màu |
Cách đây 2.558 năm, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta thị hiện sanh ra trong công viên Lâm Bi Ni, cung vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng hậu thánh mẫu Ma Ya trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Năm 29 tuổi xuất gia bên dòng sông A Nô Ma, 6 năm tu khổ hạnh tại Khổ Hạnh lâm cạnh dòng sông Ni Liên, 35 tuổi thành đạo dưới cây Tất Bát La gần thủ phủ Gaya ngày nay.
Trải một thời gian dài 45 năm hoằng hóa đạo mầu, từ đông sang tây, từ Tibet đến Afghanistan, từ Hy Mã Lạp Sơn đến Ấn Độ Dương, đến khi niết bàn tại Câu Thi Na, chư đệ tử đem nhục thân thiêu hóa và còn tồn tại những tinh hoa như tủy, xương, thịt,... được 8 vương quốc khắp vùng Bắc Á thời bấy giờ tôn thờ.
Xá lợi Phật có thật không?
Không chỉ tồn tại trong lịch sử, giống như truyền thuyết, xá lợi nhà Phật nhiều lần xuất hiện ngay ở thời kỳ đương đại. Khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại các viên xá lợi.
Xá lợi Phật đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều bậc cao tăng khi viên tịch đã để lại xá lợi, như loạt bài “Huyền bí xá lợi của các bậc chân tu nước Việt” mà Xa Lộ Pháp luật đã phản ánh.
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng để lại xá lợi sau khi hóa. Ngài xuất gia tu hành khổ hạnh lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Khi Phật Hoàng viên tịch, các đồ đệ vâng theo di chúc đã tiến hành hỏa thiêu ngài ngay tại am Ngọa Vân. Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3.000 viên ngọc xá lợi.
Ngọc cốt được an trí vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), một phần xá lợi thu được lưu giữ tại tháp Phật Hoàng ở Ngọa Vân, phần còn lại được đưa về lưu giữ tại Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội (cấm thành Thăng Long), sau đó được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng.
Lại có một số trường hợp, xá lợi chính là một bộ phận nào đó của cơ thể không bị thiêu cháy, như “trái tim bất tử” của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Sau khi Ngài tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ - Diệm, thi thể được đưa đi hỏa tang nhưng trái tim không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn, màu nâu thẫm. “Trái tim bất diệt” của Ngài hiện được thỉnh về chùa Việt Nam Quốc Tự để thờ tự, bảo tồn.
“Trái tim bất tử” của Hòa thượng Thích Quảng Đức cũng là một trường hợp có thật về sự tồn tại của xá lợi là một bộ phận trên thân thể nhà sư. Đây cũng là một sự huyền linh khó ai giải thích được.
Thờ xá lợi Phật có lợi lạc gì?
Khi chiêm bái cùng một viên ngọc xá lợi, nhiều người đã thấy các màu sắc khác nhau, tùy theo nghiệp nặng nhẹ của mỗi người.
Tương truyền ngọc xá lợi của Đức Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong, và tỏa ánh sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu này phải do sự thành tâm lễ bái chí thành của người có đạo tâm.
Tuy nhiên, theo phản ánh, riêng xá lợi răng và xương của Đức Phật thì không có sự biến hóa ít thành nhiều, do vậy bảo tháp thờ xá lợi răng và xương rất hiếm, riêng tháp thờ ngọc xá lợi thì nhiều.
Nói chung, tất cả các xá lợi đều có một vai trò quan trọng đối với chúng sinh, vì xá lợi là báu vật biểu trưng như Đức Phật còn tại thế. Nếu chúng ta dùng tâm vô nhiễm, cung kính lễ bái, cúng dường, tán thán thì được phước đức vô lượng vô biên. Xá lợi không chỉ là nhân tố tạo nên mọi sự phước đức mà còn là động lực chuyển xoay tâm hồn con người từ hung dữ trở thành hiền lương, từ vô đạo đức trở thành có đạo đức.
Hiện nay tại Việt Nam nhiều ngôi chùa cổ vẫn đang lưu giữ rất nhiều bảo tháp xá lợi Phật với vô số sắc màu lung linh, huyền thảo. Chúng tôi sẽ phản ánh ở các bài báo tiếp theo.