Như Báo Hải Phòng đưa tin, đầu tháng 3-2010, Công ty TNHH nông nghiệp Sơn Trường đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê 104 ha đất với 1.110 hộ dân xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng. Trong khi cả doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường thiệt hại, ngày 3-6, lãnh đạo huyện Tiên Lãng quyết định hỗ trợ kinh phí cho xã cải tạo và chia lại ruộng cho nông dân trước ngày 20-6. Sau gần 2 tháng nỗ lực, người dân Khởi Nghĩa đã phủ xanh phần đất doanh nghiệp trả lại. Song rất tiếc sự việc lại diễn biến phức tạp với khó khăn phát sinh.
Xã vay kinh phí tổ chức giao lại ruộng cho dân
Khi chúng tôi có mặt tại cánh đồng của đội sản xuất số 1, thôn Ninh Duy, nhiều nông dân đang nhổ mạ, cấy lúa. Chị Vũ Thị Dịu cho biết: “Việc gieo cấy khó khăn do đáy ruộng còn rất nhiều cỏ, mặt ruộng không đồng đều, vẫn có chỗ quá trũng. Kế hoạch sản xuất của chúng tôi cũng bị động vì doanh nghiệp trả đất quá sát thời vụ gieo cấy vụ mùa. Khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay là thiếu lao động vì sau khi ký hợp đồng cho thuê đất 5 năm với Công ty Sơn Trường, phần lớn lao động trong gia đình đi tìm việc làm mới, làm công nhân; bây giờ doanh nghiệp trả đất thì những lao động ly nông không thể về tiếp tục làm nông nghiệp”. Xóm 1 thôn Ninh Duy có 174 hộ dân cho Công ty Sơn Trường thuê 15 ha đất. Công ty trả lại sau 1 vụ bỏ không, cỏ mọc đầy. Để có mặt bằng sản xuất, địa phương phải hỗ trợ nông dân 80 lọ thuốc trừ cỏ, bà con bỏ rất nhiều công sức cải tạo lại đồng ruộng. Tuy nhiên, hiện khu vực này còn 10% diện tích không thể cải tạo gieo cấy được. Ngay cạnh khu ruộng của chị Dịu, còn nhiều mảnh ruộng cỏ mọc cao, nông dân chưa thể sản xuất sau khi.
Nông dân xã Khởi Nghĩa dòn sức cấy lúa trên diện tích Công ty TNHH Sơn Trường trả lại. Nhiều thửa ruộng chưa cấy được vì mặt bằng quá khó khăn. |
Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa, cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch huyện, địa phương tạm vay hơn 100 triệu đồng từ nhiều nguồn để cải tạo và chia lại ruộng cho người dân. Tính đến ngày 21-7, có 95% số hộ nhận lại ruộng và 70% diện tích ruộng sau khi chia lại được gieo cấy. Cán bộ xã dồn sức tập trung chia lại ruộng cho nông dân trong 2 tuần làm liên tục kể cả thứ 7, chủ nhật. Khó nhất là việc cải tạo mặt ruộng. Địa phương bỏ chi phí hơn 3 triệu đồng mua 255 lọ thuốc trừ cỏ, cùng trả tiền công phun 10000 đồng/ sào. Công làm đất xã phải thuê 80 nghìn đồng/ sào, có chỗ 95 nghìn đồng/ sào. Riêng tiền chi cho công làm đất hơn 80 triệu đồng. Hiện xã còn khoảng 10 ha quá sâu trũng, cỏ mọc cao, không thể cải tạo mặt bằng ngay để đưa vào sản xuất. Diện tích này nằm rải rác ở 9 đội sản xuất. Ngoài ra, còn 10,3 ha do Công ty TNHH Sơn Trường đào rãnh sâu, đắp luống, khi chia lại các hộ dân không nhận vì rất khó có thể cải tạo để sản xuất. Địa phương phải vận động một hộ nông dân có khả năng kinh tế nhận thầu khoán diện tích này trong 5 năm. Hiện chủ thầu thuê máy lồng đất cỡ lớn cải tạo mặt bằng, đã gieo sạ lúa. Huyện hỗ trợ xã máy để đào đắp hệ thống thủy lợi, nhân công khơi thông hệ thống kênh mương chính, tạo bờ.
Địa phương và doanh nghiệp: khó tìm tiếng nói chung
Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa bày tỏ: “Điều địa phương lo lắng nhất hiện nay là vấn đề kinh phí, không biết sẽ lấy tiền ở đâu để trả khoản nợ hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, người dân chưa nhận được bất kỳ khoản tiền bồi thường nào từ phía Công ty TNHH Sơn Trường, ngoài một công văn gửi về địa phương, và xã vẫn chưa nhận được nguồn trợ cấp từ huyện, hiện vẫn nợ kinh phí làm thủy lợi 19 triệu đồng”.
Được biết, đến thời điểm này, chính quyền địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngày 17-6, Công ty TNHH Sơn Trường có công văn số 176/CV-ST gửi chính quyền xã Khởi Nghĩa, khẳng định căn cứ vào điều 426 Bộ luật Dân sự thì từ ngày 10-3 (tức ngày công ty có công văn trả lại đất cho nông dân) Sơn Trường không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Tuy nhiên, với phương châm “vừa làm cho người dân có lợi và đúng pháp luật”, Sơn Trường sẽ hoàn trả lại mặt bằng nguyên vẹn ban đầu bằng việc xây lại cầu gỗ, mua trả ống bi, đắp lại bờ đã phá với tổng cộng số tiền trên 45 triệu đồng; hỗ trợ 154 triệu đồng cho việc chia lại ruộng và 60.000 đồng/sào cho người nông dân làm đất sản xuất vụ mùa 2010. Ngày 24-6-2010, UBND xã Khởi Nghĩa trả lời công văn của Công ty TNHH Sơn Trường. Nội dung công văn nêu rõ, theo tính toán chi tiết các khoản phải chi phí để khôi phục điều kiện sản xuất trên diện tích doanh nghiệp trả lại dân, Công ty TNHH Sơn Trường phải trả cho dân gần 1,6 tỷ đồng bồi thường thiệt hại và thanh toán tiền thuê đất 2 vụ với đơn giá trong hợp đồng thuê đất đã ký với dân. Ngày 28-6, Công ty TNHH Sơn Trường có công văn số 286 trả lời UBND xã Khởi Nghĩa, nêu rõ, việc xã Khởi Nghĩa không phối hợp với công ty xem xét mức độ thiệt hại thực tế mà đơn phương đưa ra các con số đòi bồi thường là không có căn cứ. Công ty yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng sớm có cuộc họp giữa 2 bên để giải quyết các vấn đề theo đúng căn cứ pháp luật. Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hải Phòng ngày 21-7, Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa vẫn yêu cầu Công ty TNHH Sơn Trường tiếp tục bồi thường thiệt hại sau khi trả đất cho nông dân như công văn số 11của xã gửi công ty ngày 24-6. Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường lại cho rằng: “Công ty chỉ hỗ trợ xã kinh phí chia lại ruộng (mức 154 triệu đồng, theo công văn 158, ngày 11-5) với điều kiện chia lại ruộng theo hướng tích tụ ruộng đất, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, sử dụng hiệu quả hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng công ty đã đầu tư xây dựng. Trong trường hợp xã không làm được điều đó thì doanh nghiệp không hỗ trợ chi phí chia lại ruộng mà chỉ đền bù phần kinh phí đắp lại bờ”…
Rõ ràng là, việc tìm tiếng nói chung giữa chính quyền địa phương và Công ty TNHH Sơn Trường càng ngày càng khó, rất cần vai trò trọng tài của UBND huyện Tiên Lãng. Có như vậy, mới hy vọng giải quyết dứt điểm sự việc ở Khởi Nghĩa để người dân và chính quyền địa phương bớt khó khăn, sẵn sàng vụ sản xuất mới./.
Hoàng Yên