“Năm qua phong trào khởi nghiệp được lan toả sâu rộng, nhiều DN của Việt Nam đang “giong buồm ra đại dương”, khẳng định vị thế của DN Việt. Ngày càng nhiều DN của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới với tiềm năng tăng trưởng chuỗi cung ứng lớn. Nhiều chuỗi cung ứng nông sản thực hiện theo quy trình nông nghiệp xanh, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nước ngoài...”, Thủ tướng hào hứng nói.
Đúng là phải mừng. Bởi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những “học phí” đắt đỏ từ đổ vỡ của các mô hình DNNN đang cho chúng ta nhận thức mới về vị trí, vai trò của DNTN đối với quá trình phát triển của đất nước.
Sau khi sắp xếp, cổ phần hóa, hiện còn hơn 600 DNNN, trong đó gồm 9 tập đoàn và 65 tổng công ty, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, bảo đảm cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng. DNNN từng là “con cưng”, đã có giai đoạn hình thành những tập đoàn, tổng công ty 91 trực thuộc Chính phủ, nhao nhao “đa ngành”, rồi... đổ bể, buộc phải tái cơ cấu. Đối với DNTN, từng là “con nuôi”, “con ghẻ”, ngược lại ngày càng chứng minh sức sống trong cạnh tranh và hội nhập. Phải qua 6 kỳ Đại hội Đảng, tức là 30 năm, đến Đại hội XII văn kiện Đảng mới khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập, xem hội nhập là động lực với 16 hiệp định tự do thương mại đã, đang ký kết hoặc đang đàm phán cho thấy sự nhất quán trong xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập của đất nước. Trong quá trình đó, nhiều thương hiệu DNTN đã xuất hiện, có giá trị chuyển nhượng lớn. Không nghi ngờ gì nữa chính thương hiệu “Made in Vietnam” của hàng hóa Việt đã và đang góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, chứ không phải ngược lại.
Đi sau các nước, điểm xuất phát thấp và sau nhiêu đổ vỡ do “tư duy và chính sách quản trị”, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam luôn có khát vọng là bạn của những người giỏi nhất. “Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng. Đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Xin nhắc lại, cuối tháng 11 vừa qua Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng. Đánh giá chung, môi trường cho hoạt động khởi nghiệp, các startup Việt Nam đã thuận lợi, nhưng rào cản về chính sách không hề nhỏ. Phải nói thẳng ra, để DNTN phát triển thành những thương hiệu lớn toàn cầu, Chính phủ phải thiết kế được chính sách “ươm mầm” và cả xã hội phải chăm lo “ươm mầm” bằng thái độ tích cực./.