Nguyên đơn trong vụ án trên là ông Lê Văn Thái (SN 1951), bị đơn tên Nguyễn Văn Quảng (SN 1962), đều ngụ thôn Phượng Nghĩa (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).
Trước đây ông Thái cùng hai hộ dân khác, trong đó có bố ông Quảng (đã chết vào năm 2015) là chủ các thửa đất khác nhau tại cụm 6, thôn Phượng Nghĩa. Các thửa đất giáp ranh trạm y tế xã nhưng không có lối đi ra đường chính.
Năm 1989 trạm y tế xã xây tường bao. Bấy giờ ông Thái cùng hai hộ khác làm đơn đề nghị xã mở lối đi cho cả khu đất rộng phía trong. Địa phương đồng ý cắt một phần đất của trạm y tế nhượng cho các hộ dân làm lối đi với giá 400 ngàn đồng để lấy kinh phí xây tường bao.
Tuy nhiên chỉ ông Thái đóng tiền, lại thuộc diện thương binh nên được giảm 100 ngàn. Ủy ban xã lập biên nhận và biên bản bán cho ông Thái lối đi rộng 2,5m, dài 52m. Cựu chủ tịch xã ở thời điểm đó xác nhận với tòa án nội dung trên, và việc bán đất là công khai, nếu lúc đó ông Thái không đóng tiền thì xã không cắt đất trạm xá để mở ngõ.
Do thửa đất của mình nằm trong cùng nên ông Thái thỏa thuận miệng với bố ông Quảng được phép đi qua đất nhà hàng xóm. Đổi lại gia đình ông Quảng được quyền sử dụng ngõ đi mà ông Thái nộp tiền mua của xã. Từ đó về sau các hộ gia đình cùng sử dụng lối đi chung hòa thuận.
Nhưng từ năm 2005 rộ tin đồn về dự án tuyến đường nối Yên Nghĩa (Hà Đông) với thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) đi qua xã Phụng Châu khiến giá đất ở đây “sốt xình xịch” từ vài trăm ngàn đồng tăng lên hàng chục triệu đồng mỗi m2: “Nhiều người ở trung tâm Hà Nội về mua đất đầu cơ chờ đền bù gì đó, tôi cũng muốn bán nhưng không có lối đi nên không ai mua. Thông tin dự án thế chứ đến nay vẫn chưa thấy triển khai”, ông Thái trình bày.
Năm 2008, gia đình ông Quảng bán bớt phần đất đồng thời xây tường bê tông bít lối đi vào thửa đất của ông Thái dẫn đến hai bên mâu thuẫn. Ông Quảng và 3 người em trai đang sử dụng phần đất bố để lại không đồng ý cho ông Thái đi qua ngõ nội bộ gia đình. Còn ông Thái kiên quyết muốn đi qua ngõ nội bộ nhà ông Quảng vì ngõ này nối với đoạn ngõ ông đóng tiền mua lại của xã, cùng nằm trên trục thẳng đi ra đường liên xã.
Thôn xã đã nhiều lần mời các hộ dân lên hòa giải trong suốt nhiều năm đều không thành. Tại các buổi đối thoại, ông Thái tự định giá đoạn ngõ mua lại của xã có giá 300 triệu đồng, yêu cầu ông Quảng phải trả 100 triệu để sử dụng ngõ.
Ông Thái và lối đi ủy ban xã Phụng Châu bán trái pháp luật dẫn đến vụ kiện kéo dài |
Cũng theo ông Thái, sau khi đối trừ số tiền ông đền bù để đi qua đoạn ngõ nội bộ thì ông Quảng phải trả thêm khoản chênh 23 triệu đồng. Về phía ông Quảng vẫn cương quyết từ chối cho hàng xóm đi qua đất. Ông này cho rằng đoạn ngõ ông Thái mua lại từ xã là ngõ đi chung nên không đền bù.
Hòa giải bất thành, năm 2015 ông Thái nộp đơn khởi kiện ra tòa. Cuối tháng 9/2017 TAND huyện Chương Mỹ đưa vụ án ra xét xử. Về yêu cầu của nguyên đơn được sử dụng đoạn ngõ nội nhà bị đơn, HĐXX nhận định yêu cầu này chính đáng, hợp lý vì lối đi này thuận tiện nhất. Tòa tuyên chấp thuận cho ông Thái được quyền đi chung vào đoạn ngõ nội bộ nhà ông Quảng. Đổi lại ông Thái phải đền bù giá trị tương ứng. Theo cơ quan định giá tài sản, ngõ nội bộ rộng gần 70m2 có giá 235 triệu đồng. Hộ ông Thái được sử dụng ngõ này cùng 6 hộ khác nên phải đền bù 1/7 giá trị, tương đương 33,5 triệu đồng.
Vì ngõ nội bộ vốn thuộc đất của bố ông Quảng đã tách thửa cho các con nên nguyên đơn có trách nhiệm đền bù cho 4 anh em ông Quảng mỗi người gần 8,4 triệu đồng. Riêng hai hộ mua đất nhà ông Quảng sau này không được nhận đền bù.
Về yêu cầu của ông Thái đề nghị được công nhận quyền sử dụng đất đối với đoạn ngõ mua lại ủy ban xã Phụng Châu có diện tích 130m2, tòa án nhận định chính quyền xã có thu tiền, lập phiếu thu bán đất. Nhưng việc chính quyền bán đất trái thẩm quyền nên diện tích này vẫn thuộc lối đi chung.
Tuy nhiên HĐXX xét thực tế thấy nguyên đơn có nhiều công sức trong việc tích cực đề nghị ủy ban xã sở tại nhượng lại đất mở lối đi chung. Giá trị công sức ông Thái được tòa xác định 42 triệu đồng, các hộ được quyền hưởng lối đi chung có trách nhiệm thanh toán. Bốn anh em bị đơn mỗi người chịu 7 triệu đồng. Theo tính toán của HĐXX, sau khi đối trừ nghĩa vụ đền bù, ông Thái phải đền bù cho bốn anh em bị đơn mỗi hộ gần 1,4 triệu đồng.
Bản án vừa tuyên ít ngày, nguyên đơn làm đơn kháng cáo, cho rằng tòa áp giá công sức tạo dựng đoạn ngõ mua lại của xã chỉ 42 triệu đồng là quá thấp.
Án sơ thẩm tuyên xong, gia đình bị đơn đã làm tiếp cổng sắt chắn bên ngoài tường bê tông. Được biết phía bị đơn cũng đã kháng cáo giữ nguyên lập trường không cho nguyên đơn đi qua ngõ nội bộ gia đình.