Tuyên bố của Tiến sĩ Tedros được đưa ra theo lời khuyên của Ủy ban Khẩn cấp Quy định Y tế Quốc tế (2005) của các chuyên gia độc lập đã họp trước đó.
Tiến sĩ Tedros cho biết: “Sự xuất hiện của một nhánh bệnh đậu mùa khỉ mới, sự lây lan nhanh chóng của bệnh đậu mùa khỉ ở miền Đông Cộng hoà Dân chủ Congo và báo cáo các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở một số quốc gia lân cận rất đáng lo ngại. Sự bùng phát của các nhánh đậu mùa khỉ khác ở Cộng hoà Dân chủ Congo và các quốc gia khác ở Châu Phi cho thấy, cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp để ngăn chặn những đợt bùng phát này và cứu sống mọi người”.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát ở Cộng hoà Dân chủ Congo ban đầu bởi một chủng đặc hữu, được gọi là nhánh I. Nhưng một biến thể mới, nhánh Ib, dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi thường xuyên, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Dịch đã nhanh chóng lan sang các nước láng giềng như Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Ông Tedros cảnh báo, việc đậu mùa khỉ lây lan thêm ở châu Phi và thậm chí rộng hơn nữa là rất đáng lo ngại.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, được ban hành nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tài trợ, triển khai các biện pháp y tế công cộng quốc tế và hợp tác để kiểm soát dịch bệnh.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 2, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Trước đó, vào tháng 7/2022, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia đã được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì nó lây lan nhanh chóng qua quan hệ tình dục trên một loạt các quốc gia nơi virus chưa từng được nhìn thấy trước đây. Tuyên bố này đã được chấm dứt vào tháng 5/2023, sau khi có sự suy giảm liên tục trong các trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu.