Tại họp báo ngày 16/12 ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia WHO, tiến sĩ Philippe Barboza cho biết, dịch tả thường bùng phát ở những nước chật vật đối phó với nghèo đói, xung đột, khủng hoảng nhân đạo và ở những nơi người dân không được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, các đợt dịch tả trong năm 2022 cho thấy, một yếu tố nữa làm gia tăng dịch bệnh là biến đổi khí hậu, gây ra hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy.
Theo WHO, chưa bao giờ các đợt dịch tả bùng phát cùng lúc ở nhiều nơi như hiện nay. WHO đang hỗ trợ ứng phó với dịch tả bùng phát ở 29 quốc gia, trong đó có Haiti, nước đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tả, hơn 14.000 ca nghi mắc và 280 ca tử vong.
Dịch tả lan khắp vùng Sừng châu Phi và Sahel, nơi trải qua những trận lũ lụt nghiêm trọng, gió mùa mạnh chưa từng có và cả lốc xoáy. Từng chỉ ghi nhận các ca bệnh tả lẻ tẻ, song từ đầu năm 2022 đến nay Pakistan đã phát hiện hơn 500.000 trường hợp, chủ yếu trong các đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua.
Dịch tả cũng tiếp tục lây lan ở Syria, đến nay đã có 96 người tử vong. Cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ Syria đã nhận được 2 triệu liều vaccine phòng bệnh tả từ Liên hợp quốc và triển khai tiêm phòng cho người dân. Tuy nhiên, vaccine mới chỉ được triển khai tại các khu vực do Chính phủ kiểm soát, mà chưa tới được các vùng khác.
Cảnh báo về tình trạng khan hiếm vaccine phòng bệnh tả, tiến sĩ Barboza cho biết, kho dự trữ toàn cầu về vaccine phòng bệnh tả do WHO quản lý đang dần cạn kiệt và giảm xuống mức thấp nghiêm trọng.
Hồi tháng 10, do thiếu vaccine WHO đã phải tạm thời điều chỉnh chiến lược tiêm chủng, từ hai xuống một liều. Theo WHO, một sáng kiến mới về sản xuất vaccine có thể phải mất vài năm mới có thể triển khai.