Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất thế giới. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não, đặc biệt là ở trẻ em, và thậm chí có thể gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ sơ sinh còn quá nhỏ chưa thể tiêm chủng.
Ở giai đoạn cuối là phát ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây truyền qua không khí, qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Hiện không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất cho trẻ em.
WHO cũng bày tỏ lo ngại cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi đang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này tăng mạnh mẽ. Trong ba tháng đầu năm 2019, WHO thu thập dữ liệu từ 170 quốc gia, ghi nhận được 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới.
Trong khi đó cùng thời điểm này vào năm 2018, con số này chỉ là 28.123 ca ở 163 quốc gia. Song WHO lưu ý rằng dữ liệu này mới chỉ là tạm thời và vẫn chưa đầy đủ, bởi ước tính trong 10 ca bị nhiễm trên toàn cầu chỉ có một ca được báo cáo với cơ quan này, nên con số thật sự còn lớn hơn rất nhiều.
Thoạt đầu, bệnh sởi nghe có vẻ không mấy nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng phổi và não, dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê, trong năm 2018, khoảng 136.000 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trước đó, năm 2017, bệnh đã gây ra gần 110.000 ca tử vong.
Theo WHO, những đợt bùng phát bệnh sởi lớn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, trên khắp các khu vực. Trong đó, khu vực châu Phi tăng tới 700%, châu Mỹ tăng 60%, châu Âu tăng 300%, Trung Đông tăng 100%, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương tăng 40%.
Ở châu Phi, chỉ riêng tại Madagascar, từ tháng 10/2018 - 3/2019, đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong. Theo WHO, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Madagascar là 47%, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong do nhiễm sởi. Hiện chỉ có 22/26 triệu người dân Madagascar được tiêm phòng sởi.
Tại Nhật Bản, từng được WHO tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, tuy nhiên hơn 200 ca nhiễm sởi được ghi nhận kể từ đầu năm. Đứng đầu tỷ lệ mắc bệnh sởi tại châu Âu là Ukraine, với hơn 72 ngàn trường hợp. Giới chức Ukraine xác định nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do quá trình tiêm phòng bị ngắt quãng trong thời gian dài. Giới chuyên gia y tế cũng nêu lên thực trạng khá phổ biến ở nước này là nhiều bậc cha mẹ từ chối tiêm vắc xin cho trẻ do không tin tưởng vắc xin và bác sĩ.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số ca mắc sởi ở Mỹ đã tăng vọt với 90 trường hợp mới được báo cáo chỉ trong một tuần. CDC cho biết, một trong những nguyên nhân là do những người không được tiêm phòng hoặc chưa được kiểm tra đến từ những nước có virus sởi đang lưu hành, hoặc người sống ở Mỹ đến một nơi có bệnh sởi và bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân thứ hai làm gia tăng số lượng người mắc bệnh sởi là việc không tiêm vắc xin phòng ngừa.
Một nguyên nhân khác khiến số người mắc bệnh sởi tại Mỹ tăng mạnh là do sự nhận thức không đầy đủ của một số bác sĩ. “Do sự thành công của việc tiêm phòng vắc xin sởi, nên nhiều bác sĩ chưa bao giờ gặp bệnh nhân mắc sởi và không nhận ra những dấu hiệu của bệnh này khi khám chữa cho bệnh nhân”, một chuyên gia nói.
Cùng với WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng lên tiếng báo động dịch sởi bùng phát ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng trẻ em. Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước, các chuyên gia y tế, cộng đồng thế giới…hỗ trợ cung cấp vắc xin cho các nước thu nhập thấp, đồng thời phải có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại thông tin sai lệch về việc tiêm chủng sởi trên toàn cầu.
WHO cũng nhận định xu hướng mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu, không chỉ ở các nước thu nhập thấp mà tại cả các quốc giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vắc xin thường cao, song tỷ lệ người mắc sởi cũng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu do quan điểm sai lệch về việc tiêm vắc xin và thái độ chủ quan về hệ miễn dịch của mình. Thậm chí có nơi còn nổi lên phong trào “nói không với vắc xin”, vì xuất phát từ thông tin “tiêm vắc xin ngăn ngừa sởi có thể bị mắc bệnh tự kỷ”. Còn tại các nước đang phát triển, do hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả nên tỷ lệ được tiêm vắc xin phòng sởi thấp.
Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO nhận định, thế giới đang đi ngược lại những nỗ lực phòng tránh sởi vì phong trào tẩy chay vắc xin. Việc thụt lùi không phải do không có công cụ phòng tránh mà là do thất bại trong chiến dịch vận động tiêm chủng. Theo bà O’Brien, dịch sởi dù xảy ra ở một khu vực nhỏ cũng đem đến nguy cơ lớn, bởi virus cũng như các mầm bệnh khác dễ dàng vượt qua mọi biên giới.
Bên cạnh đó, việc phong trào tẩy chay vắc xin lan truyền mạnh như hiện nay được cho là còn vì lạm dụng mạng xã hội như Facebook. Facebook đang bị lợi dụng triệt để nhằm lan truyền các thông tin bài vaccine nhằm vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ mang thai. Theo một báo cáo tại Anh, có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về “chống vắc xin” trên mạng xã hội.
Trước trào lưu này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời. Facebook cho hay đang tìm các biện pháp bổ sung để chống lại vấn nạn trên, bao gồm giảm hoặc gỡ bỏ loại nội dung này khỏi những gợi ý, giáng cấp nội dung tẩy chay vaccine trong kết quả tìm kiếm, đồng thời bảo đảm thông tin chính xác được chia sẻ.