Hiện trường vụ việc được công an phong toả. |
Chiều muộn ngày 16/1, một người dân sống trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) khi đi ngang qua thùng rác đã nhìn thấy dây rốn và máu từ một chiếc túi đen, mở ra thì kinh hãi phát hiện một thai nhi khoảng 8 tháng tuổi.
Sau khi tiếp nhận phản ánh vụ việc của người dân, Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã phong toả hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hàng trích xuất camera xung quanh khu vực để tìm xem ai là người để túi chứa thi thể thai nhi tại đây.
Về vụ việc đau lòng trên, BS Hoàng Thuý Hải, chuyên gia tư vấn Chương trình Cửa sổ tình yêu cho biết chị vô cùng bàng hoàng và tin rằng nhiều người cũng sẽ thấy xót xa, bức xúc với người có hành vứt bỏ thai nhi như thế này.
“Cho dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi này cũng đáng lên án. Chưa rõ lý do vì sao lại đem bỏ thai nhi vào thùng rác như vậy. Nếu là ở cơ sở y tế thì việc xử lý thai nhi như vậy là sai quy định.
Nếu là ở phía người mẹ (hay người thân) thì việc làm này không chỉ sai về quy định xử lý môi trường mà còn ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, xã hội, kể cả bản thân người mẹ. Một thai nhi đã 8 tháng, thành người rồi, nếu không may tử vong thì cũng phải được xử lý như một người đã mất”, BS Hoàng Thuý Hải nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác tư vấn về tình yêu, hôn nhân bác sĩ Hoàng Thuý Hải cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là từ cả hai phía nam và nữ. Song với bản thân người mẹ, hầu hết các em bé được sinh ra ngoài sự mong đợi đều là hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn.
Theo đó, quan hệ tình dục sớm, trước hôn nhân, chưa đủ kiến thức về sức khoẻ sinh sản, biện pháp tránh thai, chiều theo cảm xúc cá nhân (bản năng tình dục), không có sự quan tâm của người thân... và kể cả sự thờ ơ của một bộ phận người trẻ trong xã hội đã khiến tình trạng có thai ngoài ý muốn của giới trẻ gia tăng.
“Rất tiếc trong thời gian gần đây không ít những trường hợp đáng tiếc như vậy vẫn xảy ra. Đó là trường hợp bỏ con giữa hai khe tường ở Gia Lâm của nữ sinh năm nhất Học viện Nông nghiệp hay trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên nắp cống ở Sơn Tây…
Khi làm việc này, bản thân người mẹ không hề nghĩ đến hậu quả về mặt thể chất và tinh thần của chính bản thân mình. Những trường hợp sinh tại nhà như vậy không có sự giúp đỡ của y tế có thể nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ. Dù là ai đi nữa người mẹ sẽ bị ám ảnh, sang chấn tâm lý. Chưa hết, rất nhiều người sau khi nạo phá thai đã không được làm mẹ lần nữa”, BS Hoàng Thuý Hải cho biết.
Vị chuyên gia này cũng nêu ra thực tế, hiện nay đang có nhiều chương trình hướng tới sức khoẻ của thanh thiếu niên, trong đó có giáo dục về sức khoẻ sinh sản, giới tính. Tuy nhiên những chương trình này mới chỉ tập trung trong các trường học, còn các đối tượng trong cộng đồng, lao động tự do, các khu công nghiệp... thì chưa có điều kiện tiếp cận và hỗ trợ cho các em.
“Trong khi đó giới trẻ rất dễ dàng tiếp cận với các trang web “đen”. Ngoài ra, phần đáng nói nhất vẫn là từ phía gia đình, người thân nhiều khi chỉ lo kiếm tiền hay quan tâm các mối quan hệ của bản thân mà không đồng hành cùng con, không trở thành bạn của con nên khi con gặp thắc mắc, khó khăn đã không được giải quyết kịp thời, đúng đắn.
Điều này khiến các bạn trẻ ngày càng dễ yêu, dễ quan hệ tình dục, dễ có thai ngoài ý muốn và … dễ vứt bỏ giọt máu của mình. Hệ luỵ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân người phụ nữ (cả tinh thần và thể chất) mà còn ảnh hưởng cả xã hội, chất lượng dân số”, BS Hoàng Thuý Hải ái ngại nói.
BS Hoàng Thuý Hải mong muốn các bậc phụ huynh, người thân và nhất là những người trẻ phải có trách nhiệm với gia đình, con cái và với chính bản thân mình. Quản lý cảm xúc cá nhân, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng trong mọi vấn đề giúp chủ động trong tình yêu, quan hệ tình dục an toàn... là những vấn đề các bạn trẻ cần thường xuyên ý thức và thực hiện.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên trong cả nước đang ở mức báo động với 250.000 300.000 ca mỗi năm.
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, trong các trường hợp mang thai hằng năm trên thế giới, có tới 1/3 là mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, có tới 36% người ở độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...
Tại Việt Nam, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ "bất đắc dĩ" khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần. Cá biệt, có những trường hợp phát hiện có thai thì đã quá to (trên 7 tháng) mới đến xin phá thai nhưng lúc đấy đã không thể bỏ thai được nữa...
Còn theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM năm 2017, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp phá thai, trong đó 2,4% là vị thành niên. Nhưng đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì theo ghi nhận, tại các cơ sở công lập và các phòng khám tư có đăng ký nạo phá thai, tỷ lệ các ca nạo phá thai được ghi nhận trong năm 2017 lên đến gần 30.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động.
Theo các chuyên gia y tế - dân số, với con số mang thai vị thành niên và phá thai nêu trên đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số và phát triển nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.