Dự án xây dựng nâng cấp hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng mức 400 tỷ đồng, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh liên quan đến sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung nhiều năm về trước. Trong đó dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng là một trong ba dự án thành phần.
Theo đó, dự án cảng cá Thuận An được triển khai thi công xây dựng từ năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Khi hoàn thành bảo đảm quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước. Ngoài ra, tại cảng cá còn được xây dựng hệ thống kho bãi lưu trữ hàng, hệ thống nhà cấp đông, nhà máy nước đá, hệ thống nhà làm việc và các khu dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên, nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão.
Hiện dự án chưa thể công bố mở cảng do chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước. |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, phải đến cuối năm 2023, dự án này mới hoàn thành, bàn giao cho Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế quản lý. Sau khi tiếp quản khu cảng, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế chậm đưa cảng Thuận An mới vào vận hành. Nguyên nhân được cho là chưa làm xong thủ tục xin công bố mở cảng. Việc này đã khiến ngư dân địa phương vô cùng lo lắng, chưa đồng tình. Anh Dương Văn Ngà, ngư dân phường Thuận An, TP Huế cho biết, anh và các ngư dân ở địa bàn phường mong chờ cảng cá Thuận An thi công hoàn thiện và được đưa vào sử dụng để hoạt động vươn khơi bám biển. Thế nhưng sau gần 1 năm thi công xong thì đến nay cảng vẫn chưa đi vào khai thác trong khi mùa mưa bão đang cận kề. Ngư dân đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương và Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan để sớm có giải pháp đưa cảng vào hoạt động, tránh lãng phí.
Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, việc chậm công bố mở cảng do vướng phải các thủ tục hành chính liên quan đến Nghị định 37/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Chính vì vậy, quyết định công bố mở cảng vào năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thể áp dụng được. Bởi tại khoản C điểm 1 Điều 61 của Nghị định 37/2024/NĐ-CP nêu rõ, việc công bố mở cảng cá phải có văn bản thể hiện quyền sử dụng vùng đất, vùng nước của cảng.
Dự án cảng cá Thuận An có tổng mức đầu tư 220 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. |
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cảng mới, chủ đầu tư và đơn vị vận hành phát hiện cảng cá Thuận An chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước, đây là một trong những nguyên nhân khiến thủ tục công bố mở cảng chưa được chấp nhận. Khi phát hiện ra thiếu sót này, cơ quan đã ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn về đo đạc, xác định hiện trạng, diện tích khu đất cảng và mặt nước. Hiện hồ sơ thủ tục xin giao đất, giao mặt nước cảng cá Thuận An đã gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan liên quan thẩm định, xử lý. Sau khi xong thủ tục này mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, công bố mở cảng.
Khu đất và mặt nước triển khai dự án thuộc phạm vi quản lý của cảng cá Thuận An cũ, không qua thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng nên không được chú ý về thủ tục đất đai. Căn cứ thực tế hiện trạng cũ ổn định, các sở ngành chức năng đã trình và được UBND tỉnh xem xét ra quyết định phê duyệt đầu tư dự án cảng cá Thuận An.
Ngoài ra, dự án cảng cá Thuận An vẫn còn vướng hiện trạng luồng lạch chưa được xử lý nạo vét, gây khó khăn cho tàu cá ra vào cảng. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến thủ tục xin công bố mở cảng.