Gần đây, những người làm show thường chạy theo thị hiếu khán giả, chẳng hạn như Bolero đang nở rộ và tất cả các chương trình đều dồn hết vào loại hình âm nhạc này. Cũng là người làm nhiều show, việc đầu tiên của anh hướng tới là vì tiền, vì danh tiếng, hay khán giả?
- Tôi cũng vì khán giả thôi!
Thế có nghĩa là anh cũng chạy theo thị hiếu khán giả, mà đúng chạy theo khán giả thì có tất các yếu tố tôi đề cập ở trên?
- Không! tôi vì khán giả nhưng tôi không chạy theo khán giả. Tôi định hướng nghe của khán giả. cách đây 3 năm, bolero chưa nở rộ tôi làm Tết vạn lộc, cũng đã đưa các bản nhạc bolero vào. Nhưng tôi tiết chế để cân bằng, chiếm tỉ lệ rất nhỏ thôi. Năm nay, bolero có thể nói là 'bùng nổ' thì Tết vạn lộc ghi hình vào ngày 30/12 tới cũng thế, bolero chiếm một phần rất nhỏ.
Nghe nói, những ồn ào chuyện tình cảm của danh hài Chiến Thắng khiến anh ấy không có mặt trong show lần này của anh. Thay vào đó, anh mời NSƯT Công Lý với cát sê 100 triệu đồng?
- Từ lúc làm nghệ thuật cho tới thời điểm này, chưa ai diễn cặp với tôi ăn ý như Chiến Thắng và ngược lại. Có những lần diễn đám cưới, nói thật, anh em bận còn chưa kịp tập với nhau thế mà lên sân khấu 'tung hứng' rất khớp. Đến độ người ta lẽ ra mời diễn 1 buổi, họ mời thêm buổi nữa cho tiệc lại mặt.
Tôi nói vậy để thấy rằng, Chiến Thắng không diễn cặp với tôi ở chương trình lần này là tôi tiếc. Tuy nhiên, thời gian của Chiến Thắng dạo gần đây khá bận, mà với chương trình lớn như vậy, nghệ sĩ thực sự cũng phải đầu tư thời gian tập luyện. Thêm vào đó, Chiến Thắng đã đồng hành Tết vạn lộc 2 năm rồi, tôi muốn có gương mặt mới.
Công Lý sẽ là gương mặt mới - với chương trình của tôi như thế. Tuy nhiên, mức cát sê 100 triệu là không có bởi khi mời NSƯT Công Lý tham gia, anh ấy chỉ hỏi tôi đúng một câu "diễn với ai". Tôi nói diễn với tôi nên anh ấy đồng ý luôn, không đề cập tới cát sê. Nhưng tôi luôn trả cát sê theo tài năng của nghệ sĩ.
Tôi thấy có cái dở cho người làm show, và cả những nghệ sĩ khác rằng cứ đồn đoán cát sê của nghệ sĩ này vài nghìn đô, danh hài nọ mấy trăm triệu. Thực ra nếu hệ thống thu thuế tốt, có khi chẳng ai dám 'khoe' cát sê của mình cao thế. Chính vì lẽ đó mà đôi khi, nhà sản xuất cứ phải trả một giá rất cao, còn nghệ sĩ lại bị 'leo cột điện' lâu quá mà không muốn xuống.
Công Lý |
Mùa hài Tết đang đến gần, Vượng râu có điều gì trăn trở?
- Vẫn một câu nói cũ 'truyền hình thực tế đang giết chết các nghệ sĩ', vấn đề này nhiều nghệ sĩ miền Nam trong đó nếu tôi nhớ không nhầm nghệ sĩ Hữu Châu, Thành Lộc cũng đã đề cập đến rồi. Qua một vài chương trình truyền hình thực tế một vài nghệ sĩ trẻ trở thành ngôi sao, nghệ sĩ già như kiểu vào 'lãnh cung'. Nhiều khuôn mặt mang tính đại trà, mà nghệ sĩ, sự đại trà mặt lợi là khán giả sẽ nhớ mặt nhớ tên, nhưng đôi khi sẽ gây nhàm chán cho khán giả, và không còn 'võ' để diễn, tài năng phát tiết hết rồi còn đâu. Như vậy là nghệ sĩ bị 'giết chết' rồi còn gì.
Như Trường Giang, Trấn Thành họ rất tài năng, tài năng của họ giờ đã phát tiết hết rồi, tôi nghĩ vài năm sau đó họ vẫn thế. Sẽ không có gì thay đổi hay là hay hơn bây giờ.
Đấy là truyền hình thực tế, còn nghệ sĩ đi diễn hài, nghệ sĩ đi dựng hài đôi khi cũng có những cái khó. Nhiều khán giả cứ kêu nhảm nhí, quảng cáo lộ liễu. Nói thật, phải thông cảm cho người sản xuất. Bởi, đôi khi kinh phí có hạn nên nhà sản xuất phải dựa vào đầu tư của đơn vị tài trợ.
Tôi đã từng làm tiểu phẩm hài, năm đầu tiên rất hay, vì tôi có tiếng nói vào tác phẩm đó, nhưng năm 2 đỡ hay hơn hẳn, đơn vị tài trợ cứ muốn quảng cáo theo kiểu 'nói'. Kiểu như 'tôi đang đi xe đạp của hãng....xe này tốt lắm...', trong khi đạo diễn muốn nghệ thuật hoá quảng cáo, chỉ cần xuất hiện cái xe đạp đó thôi, đi trên đoạn đường gồ ghề vẫn âm ái...kiểu kiểu vậy, nó đỡ bị cho là phô, nhưng người 'có tiền' họ lại không muốn thế. Khán giả chê có phần đúng mà.