Cụ thể, về việc thành lập Hội đồng định giá tài sản, khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý VPHC quy định, đối với những tang vật phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá, thời gian quy định là 24 giờ kể từ thời điểm ra Quyết định tạm giữ tang vật, có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ.
Tuy nhiên, khoảng thời gian ngắn như vậy gây khó khăn khi áp dụng bởi theo quy định tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC thì Hội đồng định giá tang vật ngoài Chủ tịch Hội đồng là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật thì thành viên là đại diện Sở Tài chính cùng cấp. Do vậy, việc ra Quyết định thành lập Hội đồng và triệu tập các thành viên cần có thời gian nhất định.
Ngoài ra, đối với các hành vi VPHC áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện, nếu định giá từng phương tiện để ra Quyết định xử phạt theo Điều 60 Luật Xử lý VPHC sẽ rất mất thời gian. Trong khi đó thời hạn ra Quyết định xử phạt VPHC chỉ là 30 ngày kể từ ngày ra Quyết định xử phạt và 60 ngày đối với những vụ việc phức tạp. Do vậy, nhiều trường hợp nếu định giá phương tiện thì quá thời hạn ra Quyết định xử phạt.
Hiện tại, thủ tục thanh lý bán đấu giá rất phức tạp. Mặt khác, theo quy định mới tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, phải thêm thủ tục phê duyệt phương án xử lý tài sản bị tịch thu và việc phân định thẩm quyền theo giá trị tài sản bị tịch thu nhưng chưa có hướng dẫn việc định giá để xác định thẩm quyền duyệt phương án xử lý.
Liên quan tới quy định về xử lý tài sản bị tịch thu, Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP có quy định trình tự, thủ tục lập và trình phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và Điều 20 quy định tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Song, hiện vẫn chưa có hướng dẫn các Điều này nên gây lúng túng khi áp dụng.
Còn tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định đối với việc xử lý theo hình thức bán (đấu giá, chỉ định hoặc niêm yết giá), tiêu hủy tài sản thì cơ quan được giao chủ trì xử lý thực hiện việc bán, tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP chỉ quy định về một số tài sản công, trong đó không có tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân nên lực lượng chức năng lúng túng không biết thực hiện theo văn bản nào.
Một quy định khác cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý các phương tiện giao thông bị tạm giữ là việc cho phép người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện. Nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 115/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCA nhưng đến nay vẫn rất ít khi được thực hiện do chưa có hướng dẫn thống nhất, đặc biệt là thời gian và cách thức xử lý đối với số tiền nộp bảo lãnh còn thừa trong trường hợp người vi phạm không đến cơ quan Công an để chấp hành Quyết định xử phạt.
Đối với trường hợp này, người vi phạm có được coi là đã chấp hành Quyết định xử phạt hay không và tiếp tục sử dụng phương tiện đó tham gia giao thông thì có được coi là vi phạm hay không là các vấn đề gây nên nhiều băn khoăn cho các cơ quan chức năng.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nội dung thời hạn thành lập Hội đồng xác định giá trị tài sản để làm căn cứ xác định thẩm quyền xử phạt, tịch thu tại Điều 60 của Luật này. Đồng thời cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc cho phép người vi phạm nộp tiền bảo lãnh để tự giữ, bảo quản phương tiện VPHC theo Nghị định số 115/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCA.