Ai trồng cây mà chẳng mong đến ngày hái quả. Khát khao ấy ấp ủ từ khi gieo hạt mầm xuống đất, gửi gắm vào đó biết bao yêu thương, mong chờ. Niềm mong mỏi của hàng nghìn người trồng rau trong đô thị còn bời bời lớn hơn.
Nhưng giữa cuộc sống đô thị, bê-tông, cốt thép nuốt dần mảng xanh, nhà cửa chật hẹp, đâu phải cứ muốn là sẽ tạo dựng một ngôi vườn trồng rau trên sân thượng! Như cha tôi, mấy năm trước về hưu, ông nhọc công nghĩ cách trồng như một số bác hàng xóm từng làm.
Nhà tôi không có tầng tum rộng nhưng có ban-công và khoảng sân trống khá thuận lợi cho việc trồng rau treo tường. Rau được trồng trong các vỏ chai nhựa, ống bơ sắt rồi treo thành hàng, thành lớp trên tường sân, ban-công.
Cha tôi tham khảo cách những người hàng xóm, thuê hàn những chiếc giá sắt kiểu giàn, được đính sát vào tường. Những vỏ chai nhựa cắt ngang, bỏ đất, được đính dây rồi treo lên các giá sắt. Nhìn rất tiện lợi mà thẩm mỹ. Cỡ một tháng gì đó mọi chuyện mới xong. Cây rau lớn dần, cha mời các bác hàng xóm sang thăm và ngắm dàn rau treo.
Những "tình yêu" nở hoa kết trái của người làm vườn đô thị |
Đây là dãy mồng tơi lá to bản. Kia là những mầm rau muống gieo hạt bụ bẫm. Lại có cả những gốc xà lách đang dần thắm xanh. Tất thẩy đều đẹp, xinh xắn. Cha khoe, rau trồng treo tường ít tốn diện tích, nhà tôi vẫn có đủ không gian sinh hoạt. Điều quan trọng hơn chỉ hơn tháng là có rau ăn.
Nhưng công việc chăm sóc rau đòi hỏi cha tôi phải cần mẫn nhẫn nại. Hết lứa này tới lứa khác. Từ tìm hiểu nơi chốn mua giống, cách chăm sóc trong ập òa hồi hộp đến sự chia sẻ, hỏi han, xin góp ý từ người cùng quan tâm. Vào ngày trời nắng nóng, hanh khô, người chưa được uống nước thì cây đã được tưới dòng nước mát.
Tâm trạng người chăm lúc ấy vui hay buồn phụ thuộc rau tươi hay héo. Từ ngày trồng rau treo tường, tôi thấy cha có một niềm vui mới. Bạn thời quân ngũ của cha năng đến nhà chơi hơn. Mọi người nói về cách chăm cây, chơi hoa và ôn lại kỷ niệm năm nào.
Đó cũng là cách để cha vơi nỗi nhớ quê, nhớ đồng khi ông đã thoát ly hơn bốn mươi năm. Quê tôi đã đô thị hóa. Những mảnh vườn nơi quê bị thu hẹp. Một vườn rau trên tầng cao với nhiều sắc màu sự sống, chắc lẽ đã trở thành người bạn của những người hưu trí như cha.
Song có người lại phê phán tại sao phải nông thôn hóa đô thị như thế? Cách giải thích thông thường được cho là thiếu niềm tin với rau bán ngoài chợ vì trong đó tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Cách trồng rau trên sân thượng chỉ để mua lấy sự an tâm.
Với cách làm này người dân tự an ủi là mình đang trồng rau sạch, góp phần cải thiện bữa ăn. Mà ngày nay bữa ăn đang thiếu sự an toàn. Từ nguồn nước cho tới các loại thực phẩm đang được bao phủ bởi nhiều thứ toan tính. Lợi nhuận được đặt cao hơn sức khỏe đồng loại.
Cha tôi thường băn khoăn về rau ăn bán ngoài chợ suốt những năm tháng ông còn công tác. Bây giờ được ngơi nghỉ, an nhàn, ông ước giá mình có cả một tầng tum rộng để thỏa niềm chăm gieo những thức rau cho bữa ăn đa dạng. Ông sẽ trồng cả cây khế, cây vối, đu đủ, những thứ cây vốn gắn bó với tuổi thơ mỗi người nơi thôn quê.
Ước mơ ấy của cha vô cùng lý thú. Đó cũng là ước mơ của tôi, các bác hàng xóm là bạn của cha và hàng vạn người khác. Giờ trong các con ngõ của phố phường, nếu gặp những ngôi vườn nhỏ có các loài cây thôn dã sẽ khiến lòng ta bồi hồi thân thương.
Khát khao có những ngôi vườn nhỏ xinh xắn, khoảng không gian trồng rau sẽ luôn hiện diện trong người dân thành phố. Chẳng thế mà ngày nay có đủ muôn hình vạn trạng dịch vụ cung cấp giá thể, cây giống và công nghệ chế tác giàn cây, có cả dịch vụ người chăm sóc rau.
Khoan nói đến chuyện có nông thôn hóa đô thị hay không. Việc lựa chọn đặt niềm tin vào những không gian trồng rau, rau treo tường là cách người dân thể hiện nhu cầu về những bữa ăn an toàn. Cuộc sống dù phát triển, nhưng môi trường và bữa ăn bị ảnh hưởng thì có còn là hạnh phúc không? Cái được nữa, những giàn rau treo cho thấy đã và đang hình thành một nhịp sống khác nơi đô thị.