Liên kết vùng còn mang tính hình thức
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 9,86%; GDP đầu người năm 2018 đạt trên 4.800 USD (gấp 1,85 lần so với bình quân cả nước).
Tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều. Các tỉnh, thành phố trong vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn. “Nếu sớm giải quyết, tháo gỡ thì vùng sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, Thủ tướng nói. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp với nội hàm mới, thiết thực cho cả vùng và từng địa phương. “Vùng này tiếp theo có trồng lúa không, chuyển đổi như thế nào, đô thị làm sao, khu công nghiệp thế nào, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, hướng về xuất khẩu thế nào. Tôi cũng đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần cơ chế gì để điều phối vùng hiệu quả, nhất là vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đây là vấn đề quan trọng mà chúng ta đang loay hoay”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn cao
Với đánh giá này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, các địa phương trong vùng kinh tế Bắc Bộ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn hiện nay về cơ chế, quy hoạch, cơ sở hạ tầng. “Hiện ngân sách Nhà nước không đủ nguồn lực thì phải huy động từ tư nhân. Muốn vậy phải tháo gỡ cơ chế để thu hút vốn đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để tạo sức hấp dẫn cho vùng”, ông Hải kiến nghị.
Cảnh báo hiện trạng phát triển kinh tế, nhưng dễ nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí nhiều người còn đặt vấn đề đạo đức xuống cấp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị cần phải hết sức lưu ý điều này. Phải làm sao để đảm bảo hài hòa các lợi ích, đặc biệt không để “nhóm lợi ích” chi phối, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, làm giảm mức sống của người dân.
Tại hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, vai trò động lực, đầu tàu với kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa xứng tầm. Theo bà Dung, chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng Bắc Bộ đang cao so với mặt bằng chung cả nước cũng như khu vực phía Nam.
Đơn cử như, nhóm thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn 2 lần trung bình toàn quốc. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.
Ngoài ra, số lượng thủ tục hành chính giảm 50% theo mục tiêu Thủ tướng đề ra, song thời gian thực hiện lại tăng. Các địa phương cũng lúng túng khi hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục, nhất là với dự án lớn. Quy định tại các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Đất đai... đang có nhiều điểm lệch pha dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
“Việc doanh nghiệp phải chờ vài ba tháng, thậm chí cả năm mới có văn bản ý kiến của cơ quan Nhà nước là không hiếm. Chúng tôi thấy việc triển khai thủ tục đầu tư ở vùng Nam Trung bộ trở vào thống nhất và nhanh gọn hơn so với vùng Bắc Bộ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Cần cắt giảm quy trình cải cách nội bộ trong các cơ quan Nhà nước”, bà Dung nói.
Không chỉ lo kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm để biết mình đang ở đâu mà sửa chữa. Thủ tướng đặc biệt lưu ý, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công nghiệp… rất phức tạp. Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ tầng.
Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng. Phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (với các dự án lớn của Samsung, LG, Microsoft, Canon...) và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân và cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.
Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Làm tốt hơn dịch vụ logistics. Vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt. “Vùng có phải đi đầu trong việc không có rác thải nhựa hay không?”, Thủ tướng đặt vấn đề và hoan nghênh việc Hội nghị sử dụng chai nước thủy tinh thay cho chai nhựa.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.