Vui hay 'ngáo' lễ hội?

Ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người. Ảnh minh họa
Ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người. Ảnh minh họa
(PLO) - Khi Lễ hội Chùa Hương chưa khai mạc thì mỗi ngày đã có năm, sáu vạn khách. Có lẽ không chỉ trong tháng Giêng này, rất nhiều người không còn tâm trí cho công việc cho dù họ vẫn đến công sở. Bao nhiêu lễ hội, bao nhiêu đền chùa đang đợi họ. Nào Lễ hội chùa Hương, nào chợ Viềng, nào đền Đức Thánh Cả, nào đền Bà Chúa Kho, nào Bia Bà… Có nhiều người rơi vào tình trạng “ngáo lễ hội”. Bởi với họ, làm gì thì làm nhưng dịp đầu năm nhất định phải đi cầu xin thần linh trước đã…

Xin lộc… lô đề, hàng lậu (!?)

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội mỗi năm. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất, số lượng 1.095; Lai Châu ít nhất với 17 lễ hội.

“Mùa xuân có còn vui”? Câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn này đang là điều có thực, khi ẩu đả xảy ra tại chùa Hương, truy sát tại chùa Đậu, đó là chưa kể cảnh chen chúc, “chặt chém”, đánh bạc… tại vô vàn các lễ hội những ngày qua. Khi mà từ mùng một Tết, nhiều người đi lễ đi bái với tần suất, mật độ chóng mặt đền nọ phủ kia, lên rừng xuống biển. Không ít người đi dự lễ hội chủ yếu là nặng về cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Các vị thần thánh, anh hùng dân tộc cũng bị biến thành “thế lực” để phù hộ cho nhu cầu cá nhân. 

Nếu người đi lễ ở đền Trần chủ yếu là cầu danh thì người ta lại nườm nượp đi lễ đền Bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Bắc Ninh để cầu lợi. Người ta chen lấn đã đành, còn chen nhau đưa tiền cho người của Ban tổ chức để được mở cửa vào lễ tận ban thờ trong hậu cung. Với họ, đưa tiền cho thánh là phải đưa tận tay, kiểu “tiền trao cháo múc”!!! Theo truyền thuyết ngôi đền được lập để tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho lương thực triều đình tại Núi Kho. Sau khi hy sinh, người dân gọi bà với niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho. Giờ người dân tin rằng “vay vốn” của Bà Chúa Kho để làm ăn “có lộc”.

Còn tại đền ông Hoàng Bảy, tỉnh Lào Cai, thờ “thần vệ quốc”, vị anh hùng lừng lẫy của miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ dân làng. Không biết từ bao giờ, có những người về đây để dâng lễ cầu lộc mà là lộc lô đề, thậm chí buôn bán hàng lậu. Có những người xin ngài Hoàng Bảy “che mắt cán bộ công an cho hàng lậu trót lọt qua biên giới”. 

Chị Thu Hiền (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy nhiều người đi lễ đi bái với tần suất, mật độ chóng mặt đền nọ phủ kia dịp Tết, trong khi những việc trước mắt lẽ ra cần làm trước và nên làm chu đáo thì họ lại không làm. Đôi vợ chồng gần nhà tôi, từ trước, trong và sau Tết, cứ hễ gặp là lại khoe anh chị vừa đi lễ ông hoàng nọ, bà chúa kia, trong khi bố mẹ anh chị đều ngoài 80 tuổi, bà cụ nằm một chỗ trên giường. Đi thì thôi, hễ về nhà là thấy tiếng chị gào thét mắng mẹ chồng cái tội ăn dầm đái dề. Chả biết mấy ngày đi lễ, ai chăm sóc, nấu cơm cho hai cụ ăn.

Một đôi vợ chồng khác, bùng tiền của bạn, nhiều nhặn gì đâu, có vài chục triệu không nỡ trả, nhưng nay thấy up ảnh lễ chùa này, mai up ảnh trả lễ phủ kia. Tôi hỏi các ông, các bà, thánh thần nào chứng giám, phù hộ cho cái loại lừa đảo, lừa thầy, phản bạn ấy? Nếu thiêng thật, tôi nghĩ thánh thần phải vặt cổ những loại đấy chứ chả ngồi yên mà nghe họ cầu xin tiền tài, danh vọng đâu.

Một chị tôi biết, 3 năm nay năm nào cũng leo bộ lên đỉnh Yên Tử, cầu nọ khấn kia, cần là bỏ tiền ra mua hòn non bộ, cây cối, độc bình cho các sư, các chùa, nhưng đố ai xin chị được 1 nghìn, dù là ủng hộ đồng bào lũ lụt. Tôi không tin là cứ chùa to, đền đài miếu mạo hoành tráng thì thần thánh hay phật mới thiêng, mới ngự trị, mới phù hộ. Nếu các đấng tối cao ấy có thật, họ khiêm nhường lắm, giản dị lắm, khổ hạnh lắm, chứ có phải cứ nhà cao cửa rộng, tiện nghi họ mới đến, còn nơi nào nghèo nàn họ bỏ đi đâu”.

Bỏ quên… ngôi đền, chùa linh thiêng nhất

Cũng sau nghỉ Tết Nguyên đán, hàng ngàn người lại đổ về các chùa đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cầu an. Tuy nhiên, mỗi chùa lại có một mức phí giải sao khác nhau. Theo quan niệm, những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình.

Do đó,  “giải hạn” là điều mà nhà nhà đều tham gia với suy nghĩ, có vài trăm ngàn (200-500/mỗi người) để mua sự yên tâm thì chẳng đáng là bao. Dù đại diện phía Phật giáo khẳng định cúng sao giải hạn không có trong kinh sách nhà Phật thì hoạt động này vẫn diễn ra rất phổ biến tại các chùa. Tại Hà Nội, chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở) nổi tiếng với các lễ cúng dân sao giải hạn. Năm nào cũng thế, người dân đến chùa cầu cúng còn ngồi tràn lên cả phần cầu vượt Ngã Tư Sở.

Tại những chùa lớn ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, các chùa tại quận Hai Bà Trưng… ngày nào có hàng trăm người dân đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Tại đây, các ni sư, phật tử cũng tất bật soạn đồ lễ, các bàn đăng ký luôn chật kín người ngồi ghi ghi, chép chép. Còn tại các làng quê, chùa làng cũng có tới gần 1.000 hộ dân đăng ký dâng sớ cầu sao giải hạn với giá từ 200 nghìn -800 nghìn đồng/hộ tùy theo gia đình có ít hay nhiều sao. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiều phật tử, sau tháng Giêng nhiều ngôi chùa vẫn tiếp tục nhận đăng ký dâng sao giải hạn.

Liên quan đến vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội chia sẻ: Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo Giáo, xuất xứ từ Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu, La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật.

Thế nhưng, giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống. Cho nên, nhiều chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có những chùa chỉ tụng kinh lễ Phật. Cũng theo vị Hòa thượng này, có không ít trường hợp đi cúng lễ mà vẫn gặp tai họa. Bởi “Gặp họa hay phúc đều là do bản thân con người. Nếu con người không cẩn thận thì rất dễ gặp họa như mất của, tai nạn…”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội) cũng cho rằng sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm. Mỗi con người trồng cây quả ngọt thì mình sẽ được hưởng quả ngọt. Trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, mình làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa. Không có sao và cũng không thể giải được!

Không thể phủ nhận, có những người đến chùa chỉ đơn giản để thấy được sự bình an trong tâm hồn, thưởng lãm cảnh vật. Có những lễ hội ra đời để tưởng nhớ công lao của những người có công với đất nước. Và nếu nhìn vào đời sống tâm linh thì có thể nói, dường như từ những người còn rất trẻ họ đã hiểu rất rõ về phật pháp, nhân quả. Thế nhưng, theo các nhà văn hóa, chúng ta mất một thời gian dài bị bỏ trống, đứt gãy văn hóa chùa chiền bởi chiến tranh và những yếu tố lịch sử, suốt 40 năm (từ 1955 - 1995) mới được phục dựng lại. Vì thế, rất nhiều biến tướng đã phát sinh.

Khi một lễ hội được mở ra sẽ kéo theo bao nhiêu dịch vụ từ trông xe, những cửa hàng bán hoa quả, đồ cúng, bán quẻ bói đầu năm, bán hàng trà đá... mọc lên như nấm. Thậm chí một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội còn có hẳn dịch vụ cho thuê ghế với giá 30 nghìn đồng/ghế trong vài tiếng đồng hồ. Còn người dân thì đang trong tình trạng “ngáo lễ hội”. Hai yếu tố cung và cầu gặp nhau thì sẽ dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều lễ hội được tổ chức và được thổi phồng ý nghĩa lên, không còn đúng như những giá trị ban đầu về văn hóa tâm linh và sự tĩnh lặng, trong trẻo của nó… 

Trước những thực trạng này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Chúng ta phải thừa nhận rằng: trong dòng người cuồn cuộn như sông mùa lũ đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hoá, như một đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít. Không ai bảo những người đi cầu tiền tài, chức tước là không chính đáng, nhưng soi xét cho tận gốc rễ của vấn đề thì đó là điều thật đáng lo. Bây giờ, để có được những lợi ích cá nhân người ta có thể làm tất cả những gì có thể kể cả việc “ hối lộ Thánh Thần ”.

Mẹ tôi hầu như cả đời không đi chùa cúng lễ. Bà nói: “Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết”. Mẹ tôi cũng nói: “Nếu Thần Phật chỉ phù hộ độ trì cho những ai đến chùa dâng lễ thì lòng tin của bà vào Thần Phật cũng sẽ chấm dứt. Với bà, Thần Phật mà như thế thì khác gì mấy ông, mấy bà dưới trần này. Bà thấu hiểu câu nói của người xưa: thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Đúng là như vậy. Ai đó cứ phải chọn chùa mới thể hiện được lòng từ bi của mình thì người đó chưa thực sự từ bi. Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người.

Thế nhưng, quá ít người biết điều đó. Họ thì thầm kháo nhau về ngôi đền này thiêng lắm, ngôi chùa kia thiêng lắm, xin gì được nấy. Thế là nườm nượp kéo nhau đi. Rồi xì xụp khấn vái với đủ lễ vật to nhỏ. Thử hỏi có mấy ai đến đền, đến chùa chỉ bằng một nén nhang tâm tưởng trong sâu thẳm lòng mình để nói với Thánh Thần rằng lòng họ vẫn còn những u tối, còn những tham lam, còn nhiều ghen ghét… xin Thánh Thần ban cho họ ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi để xua đi những điều tội lỗi kia trong lòng???

Mà chỉ thấy hết người này đến người nọ cầu xin mọi thứ có lợi cho mình rồi sau khi ra khỏi cửa đền, cửa chùa thì thản nhiên đối xử với nhân quần bằng trái tim vô cảm và nhiều mưu mô, toan tính. Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.