Đón Tết trên đường ray
Nhớ lại vụ việc xảy ra vào ngày 12/2, chị Nguyễn Thị Minh (35 tuổi) và chị Đỗ Thị Lan (32 tuổi) cho rằng đó là hình ảnh nhớ đời. “Tàu khi đó chỉ cách vài chục mét. Khi đó tôi quên mình đang làm nhiệm vụ nên quăng cờ lệnh để nhảy đến chỗ bà cụ kéo bà ra xa nhất có thể. Sau khi đỡ bà cụ dậy, tôi mới thực sự hoảng hồn vì nghĩ mình mà chậm vài giây thì tai nạn chắc chắn xảy đến với nạn nhân” – chị Minh kể.
Chị Minh quê Hà Tĩnh, học hết cấp 3 và học trung cấp đường sắt rồi bén duyên với chàng trai học chung. Sau khi tốt nghiệp, vợ chồng chị Minh cùng “đầu quân” cho ngành Đường sắt. Chị Minh làm gác chắn, còn chồng làm nhân viên kỹ thuật.
Nhiều năm gắn bó với nghề, trải qua bao nhiêu hiểm nguy nên chị Minh không khỏi chạnh lòng: “Hồi xưa cứ nghĩ nghề này nhàn nhã, chỉ cần đẩy rào qua lại là xong. Nhưng quá trình công tác tôi mới biết, những ngày lễ Tết mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, còn mình thì vẫn phải lầm lũi làm việc nên đôi lúc tủi thân lắm”.Trong suốt 12 năm làm nhiệm vụ gác chắn, gia đình chị Minh hiện vẫn đang ở nhà tập thể của đường sắt Biên Hòa.
Cùng suy nghĩ như chị Minh, chị Đỗ Thị Lan (người cùng cứu bà cụ ra khỏi đường ray) cho rằng nghề gác chắn thực ra đơn giản nhưng trách nhiệm rất nặng nề. Chính vì vậy, nhiều trường hợp xa nhà đằng đẵng hàng chục năm trời. Bản thân chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác liên tục đón tết trên… đường ray.
Hình ảnh nhà nhà vui xuân, người người đón xuân cũng gợi biết bao cảm xúc cho nhân viên gác chắn về không khí nhộn nhịp ngày Xuân; về sự sum họp gia đình…, song nếu ai cũng xin nghỉ phép trong những ngày Tết thì người đâu thay thế?
Do đó, đã là nhân viên gác chắn đường tàu phải biết hy sinh, chịu đựng gian khổ. Lâu dần thành quen tiếng còi tàu, tiếng xình xịch khi tàu lăn bánh nên yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài.
Công việc thầm lặng và nguy hiểm
Tại trạm gác chắn đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy bà Phan Thị Hòa (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) lật đật nấu mì gói ăn vội để kịp 10 phút nữa tàu đi qua. Cả hai vợ chồng bà Hòa đều làm nhân viên gác chắn trong ngành đường sắt nhưng mức lương chỉ từ 3,8 triệu - 5 triệu đồng/tháng.
Với số tiền như vậy, hầu như gia đình bà Hòa không đủ chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày với các khoản cố định: tiền thuê trọ, tiền ăn uống, xăng xe… Vì thế, để tăng thu nhập cho gia đình 4 người, bà Hòa phải làm thêm việc bán hàng online. Do không có điều kiện nên 5 năm qua gia đình bà Hòa không về thăm quê được.
Phó chủ tịch TP Biên Hòa trao bằng khen cho hai nữ nhân viên gác chắn |
Tương tự, tai trạm gác chắn trên đường Phạm Văn Thuận (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bà Đỗ Thị Hoàng (50 tuổi) cũng cho biết, mức lương của bà chỉ 4,5 triệu đồng. Gắn bó với công việc này hơn 20 năm, nhưng với tiền lương như vậy nhiều lúc bà thấy nản lòng. Đặc biệt, vào những ngày lễ tết, những người trực gác chắn tàu phải làm việc nhiều hơn ngày thường nên thời gian dành cho gia đình quá ít ỏi.
Đã thế, những người vô ý thức không chấp hành luật giao thông tại các đường ngang khi tàu đi qua rất phổ biến. Đường Phạm Văn Thuận là trung tâm của TP Biên Hòa, là nơi có mật độ phương tiện giao thông cao và khá phức tạp.
Những lúc gác chắn tàu đã hạ xuống thì nhiều người vẫn điều khiển phương tiện 2 bánh luồn lách để băng ngang qua đường sắt rất nguy hiểm. Có trường hợp vì chạy nhanh, không làm chủ tốc độ nên dẫn đến tai nạn, nhất là vào những lúc trời mưa.
Nhiều năm gắn bó với nghề, chứng kiến nhiều vụ “vượt rào”, bà Hoàng nhớ mãi có lần vào lúc rạng sáng, thanh chắn đã hạ ngang mặt đường, thế nhưng những gã say rượu vẫn cố tìm cách vượt qua.
Mặc dù bà đã nỗ lực ngăn cản mấy người đó không được băng qua đường sắt khi tàu đang đến, liền bị mấy người này buông lời xúc phạm, thậm chí đòi đánh. Lần khác, cách đây khoảng 2 năm, bà Hòa bị một chiếc xe máy tông trúng khi đang kéo thanh pa-ri-e xuống dẫn đến thương tích phải nghỉ 1 tuần để dưỡng thương.
Có thể nói, những người gác chắn đường tàu nói chung và chị Minh, chị Lan, chị Hòa, bà Hoàng… đều không quản ngại nắng mưa, gió rét, ngày đêm lặng lẽ mang lại bình yên cho những chuyến tàu, đảm bảo an toàn cho người đi đường mỗi khi có chuyến tàu qua lại.