Câu chuyện “Người làm báo trong kỷ nguyên số” không còn là vấn đề quá mới mẻ với những người làm báo hiện nay. Thế nhưng nó chưa bao giờ là vấn đề cũ, có những thuận lợi rất lớn và vẫn luôn đặt ra cho chúng ta những thách thức đáng phải trăn trở khi làm nghề.
Nhà báo Hồ Quang Lợi (ngồi giữa) cho rằng, “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Ảnh: Thúy Hiền |
Đề cập những thách thức với người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người làm báo khẳng định: Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là làm sao để cân bằng “quan hệ giữa nội dung và công nghệ”.
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, với đặc tính ưu việt của thời đại kỹ thuật số, một nhà báo được đánh giá cao phải là người biết làm báo đa phương tiện.
“Người làm báo” vừa chụp ảnh, vừa viết tin và đăng bài nhanh chóng. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Thế nên, muốn làm báo giỏi trong thời đại này, chúng ta phải vừa biết viết, vừa biết chụp ảnh, vừa làm được infographic, longform, biết làm podcast và biết cả biên tập… "Luật chơi" của công nghệ, của báo số chưa bao giờ là dễ dàng cả.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, “người làm báo bây giờ phải nghĩ sản phẩm của mình đi bằng con đường nào để đến với công chúng. Tức là phải nắm được cách thức tiếp cận công chúng hiệu quả nhất”.
Theo cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người làm báo, với báo chí đương thời, nội dung vẫn là vua và công nghệ là nữ hoàng. Vua và nữ hoàng kết hợp với nhau mới tạo ra tác phẩm báo chí vừa hay vừa có lượng độc giả lớn.
Thách thức làm nội dung độc, hay
Thực tế, phóng viên, nhà báo của nhiều báo điện tử chịu áp lực về lượt xem của độc giả khi viết tin/bài. Bên cạnh chất lượng thông tin, lượng người đọc đang là một tiêu chí để chấm nhuận bút của nhiều tòa soạn báo. Thế nên hiện tượng phóng viên lấy tin từ mạng xã hội, tin không kiểm chứng không còn hiếm.
Vấn đề quan trọng đặt ra, cũng là trăn trở trong việc làm nội dung báo chí, tư duy báo chí hiện nay, là làm sao để nội dung vừa phải thuận ý Đảng, vừa phải hợp lòng dân.
Nên chăng cố gắng tăng KPI, tăng nhuận bút, tăng lượt share để rồi dần đánh mất vai trò thực sự của người làm báo?.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo điện tử Dân Việt nêu: “Các bạn có thể viết rất nhiều, một ngày viết câu bao nhiêu lượng view. Nhưng cuối cùng là để làm gì, có thể hiện sự tâm huyết của người làm báo không, có cải thiện được xã hội theo chiều hướng tốt hơn không, có tìm ra vấn đề sâu hơn không?”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (ngồi bên phải) chia sẻ thách thức của người làm báo trong Kỷ nguyên số. Ảnh: Thúy Hiền |
Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng quan ngại: “Công nghệ chúng ta có thể học, chúng ta chưa học được, chúng ta có đồng nghiệp. Nhưng đã đánh mất mình trong thời đại kỷ nguyên số mới là điều đáng lo ngại.”
Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội nhà Báo Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô Thị khẳng định: “Lượng view cao là điều phải quan tâm nhưng vẫn phải đảm bảo tôn chỉ, mục đích của Đảng, nhà nước. Một nhà báo phải là một chuyên gia trong ngành, nghề, lĩnh vực mình viết, phải có những đề tài độc, đề tài chuyên sâu với nhiều cách tiếp cận khác nhau”.
Đạo đức nghề báo, trách nhiệm người viết phải là tôn chỉ tối thượng khi làm báo. Điều này cũng đã quy định rõ trong luật Báo chí, trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, trong những văn bản pháp lý đã ban hành. Điều quan trọng là những người làm báo phải luôn ý thức về điều đó.
Các diễn giả cho rằng, một người làm báo trong kỷ nguyên số phải vừa biết làm báo đa phương tiện, vừa nắm được quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vừa không ngừng sáng tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, tư duy báo số. Như cách mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ trong talkshow Người làm báo trong kỷ nguyên số: "Thay đổi hoặc chết" - Nếu không chạy đua với công nghệ thời đại, thay đổi để có cách viết độc đáo, chuẩn xác, chuyên sâu, bạn sẽ chẳng thể thành công với nghề làm báo hiện nay.