5 nguyên nhân tiềm ẩn rủi ro
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), với những vụ việc gần đây ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của thị trường, như FLC, Tân Hoàng Minh…, TS Cấn Văn Lực đã chỉ ra 5 nguyên nhân cơ bản của những rủi ro này. Thứ nhất, TTCK Việt Nam hiện còn non trẻ, thị trường cổ phiếu 22 năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 16 năm. Trong khi đó, thị trường lại tăng trưởng tương đối nhanh. Bình quân năm 2011-2021 thị trường tài chính, bao gồm cả khối ngân hàng, khối chứng khoán, khối bảo hiểm, khối phái sinh tăng trưởng 14%/năm. Trong đó, thị trường cổ phiếu tăng trưởng 27%/năm về vốn hoá, trái phiếu khoảng 14%/năm, bao gồm cả trái phiếu chính phủ và TPDN.
“Như vậy, TTCK của chúng ta đang ở “độ tuổi” tăng trưởng rất nhanh, thì chắc chắn sẽ gặp phải một số hệ lụy và rủi ro…” - Chuyên gia này nhận định.
Thứ hai, liên quan đến thị trường trái phiếu, “vừa qua cơ quan quản lý rất mong muốn thúc đẩy thị trường này phát triển để doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh nên điều kiện tín dụng với hệ thống ngân hàng tương đối khó khăn. Theo tôi, cách tiếp cận này không sai, tuy nhiên ở đâu đó có một số điều kiện còn lỏng lẻo so với sự “tinh vi” của các chủ thể tham gia thị trường…” - ông Lực phân tích.
Nguyên nhân thứ ba là hiện nay DN vẫn phụ thuộc vào vốn ngân hàng. “Chúng tôi tính toán, toàn bộ cấu trúc vốn của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tỉ trọng vốn cho đầu tư toàn xã hội 2021, khối ngân hàng tín dụng đóng góp khoảng 47%, thị trường TPDN 22%, thị trường cổ phiếu khoảng 3,2%, vốn đầu tư công khoảng 14%, FDI khoảng 15%. Chúng tôi không tính thị trường trái phiếu Chính phủ, bởi vì sau khi phát hành Chính phủ phải giải ngân đầu tư công thì lấy kết quả giải ngân đầu tư công để tính toán đóng góp vào tổng vốn cho nền kinh tế như thế nào” - TS Cấn Văn Lực cho hay. Theo ông, với gần 50% vốn là từ khối ngân hàng, trong khi, ngân hàng không thể cho vay trung và dài hạn mãi được, bởi hiện cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng tín dụng đã khoảng 45%, thì đây là điều đáng lo ngại.
Nguyên nhân thứ tư liên quan đến khung khổ pháp lý, chúng ta đã tích cực và chủ động thay đổi, nhưng “đâu đó” vẫn có những nhịp chậm hơn so với yêu cầu phát triển của thị trường.
Nguyên nhân thứ năm cũng rất quan trọng là khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Bởi tính chất “tinh vi” của thị trường nên khâu thanh, kiểm tra cần phải làm tốt hơn nữa…” - TS Lực lưu ý.
Nhà nước cần can thiệp nhưng phải “khéo”
Theo vị này, đã có một số đề xuất giải pháp can thiệp cho thị trường vốn, trong đó có trái phiếu. Với thị trường vốn, chúng ta vẫn phải để thị trường quyết định. Nhưng hiện nay thị trường có khiếm khuyết thì Nhà nước phải can thiệp.
Chuyên gia này lưu ý giải pháp cần phải rất “khéo”, nghĩa là vừa kiến tạo để thị trường phát triển, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Còn đâu là điểm chính sách tối ưu, thì cơ quan nhà nước phải tìm ra để làm cho tốt hơn.
“Đặc biệt, điều tôi vẫn lo âu chính là rủi ro hệ thống tài chính của chúng ta. Nó lan truyền giữa ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Đây được ví như “tứ trụ liên thông” tương đối rủi ro. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ cũng cần phải giám sát cả rủi ro hệ thống tài chính này tốt hơn…” - lời ông Lực.