Lời xin lỗi của Bộ trưởng
Theo phản ảnh của dư luận, chiều ngày 4/1, chiếc xe biển xanh chạy vào khu vực hạn chế của sân bay để đón khách hàm Bộ trưởng nhưng người ta chợt nhận ra trên xe là “bà” Bộ trưởng. Dư luận yêu cầu làm rõ thì được biết: Bộ Công thương đã có văn bản gửi Cảng vụ hàng không miền Bắc về việc đón tiễn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đi công tác tại TP HCM về Hà Nội.
Theo văn bản số 07/VP-LT của Bộ Công Thương gửi Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Công an, Hải quan, An ninh sân bay Nội Bài và Tổng công ty Hàng không Việt Nam ngày 3/1/2019, Bộ Công Thương đề nghị về việc cấp thẻ an ninh vào khu vực cách ly sân bay.
Trong công văn, Bộ này cho hay là theo chương trình công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ đi công tác tại TP HCM từ ngày 3 đến ngày 4/1. Như vậy, Bộ trưởng sẽ rời TP HCM đi Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN 262. Do đó, để tạo điều kiện cho việc đón Bộ trưởng, Bộ này đề nghị các cơ quan trên cho phép cán bộ của Bộ Công Thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Tuy nhiên, theo Cổng thông tin Bộ Công Thương đăng tải thông tin, ngày 4/1 ông Trần Tuấn Anh có hai lịch làm việc là tiếp Bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ Lào Khammany Inthirath và trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho ông Lê Triệu Dũng.
Thông tin thư xin lỗi của ông Trần Tuấn Anh được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Công Thương nội dung như sau: “Kính gửi các cơ quan báo chí, truyền thông. Liên quan đến sự việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe của Bộ vào đón người trong gia đình tôi ở khu vực sân bay Nội Bài ngày 4/1, do đang phải nằm điều trị tích cực tại Khoa tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai theo yêu cầu của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương nên hôm nay tôi mới có thể chính thức phản hồi.
Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này.
Thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông, cho phép tôi và gia đình được gửi lời xin lỗi tới toàn thể quý vị hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019. Đặc biệt, tôi xin gửi lời xin lỗi đến nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công thương.
Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương. Tôi đã báo cáo với các cấp lãnh đạo cấp trên. Đồng thời, tôi sẽ rà soát kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để bảo đảm không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai”.
Dư luận chưa buông tha?
Việc một Bộ trưởng công khai xin lỗi dân, báo chí xưa nay là chuyện hiếm ấy, khen Bộ trưởng biết lắng nghe nhưng cũng có dư luận cho rằng thư xin lỗi thể hiện không đúng về hình thức, thể thức. Thiếu dấu và không có tiêu đề của Bộ Công Thương.v.v...
Cũng có ý kiến cho rằng nội dung thư chưa thành thật chưa chính xác vì Bệnh viện Bạch Mai không có khoa Tim Mạch mà chỉ có Viện Tim trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, một lãnh đạo khác của Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có vấn đề về sức khỏe nên dự kiến sẽ vào bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, ngày 4/1, do vấn đề sức khỏe diễn biến đột ngột nên ông phải nhập viện. Vì vậy, việc đưa đón người nhà được diễn ra.
Nhiều ý kiến đồng tình việc phu nhân Bộ trưởng đi xe biển xanh vào khu vực hạn chế của sân bay theo tiêu chuẩn của Bộ trưởng là việc làm đáng trách. Văn phòng Bộ Công Thương vì lý do nào đó mà “thiết kế” công văn cho sân bay và các ngành chức năng là đáng trách.
Nhưng việc Bộ trưởng cầu thị công khai xin lỗi với dư luận đã thể hiện sự thành khẩn. Đương nhiên trong lúc bối rối, sức khỏe không tốt những sơ suất trong việc, cách xin lỗi ở mức ấy có thể châm chước được.
Thư xin lỗi của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh |
Thế nhưng dư luận còn khắt khe hơn, đặt ra những vấn đề lớn hơn, khái quát hơn. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Trong vụ việc này có hai vấn đề sai quy định của pháp luật. Thứ nhất, dùng tài sản công phục vụ việc gia đình, thứ hai dùng bộ máy phục vụ nhà nước để phục vụ việc gia đình, đây chưa rõ là lỗi do chủ quan hay do vô ý nhưng đều thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương”, đại biểu Vân nói.
Vẫn theo đại biểu Lê Thanh Vân, khi xảy ra sự việc Bộ trưởng xin lỗi là một chuyện, không phải như vậy là xong. “Không thể lấy quy phạm đạo đức để xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nếu chấp nhận lời xin lỗi này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho sự nêu gương”.
Quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân là chính xác, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng ở đây cũng cần xem xét mức độ giá trị tài sản công không lớn, chỉ là một chuyến xe đưa rước, việc đi vào khu vực hạn chế chỉ sai về mặt thể thức chứ không ảnh hưởng đến giá trị vật chất nên đặt vấn đề pháp luật thì quá nặng nề.
Cần làm rõ bộ máy văn phòng
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương đặt vấn đề: Nếu như không có tác động từ Bộ trưởng, liệu cán bộ, nhân viên Văn phòng Bộ Công Thương có tổ chức đưa xe công vào tận chân cầu thang máy bay để đón người nhà lãnh đạo không? Để xảy ra sự việc này vừa vi phạm quy định của Đảng, vừa vi phạm quy định của Nhà nước. “Nếu chỉ xin lỗi không thì chưa đủ”, ông Hương nói.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cũng nói: “Cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, trong đó có nội dung về nêu gương. Cán bộ công chức phải thực hiện theo đúng chức trách nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm. Trong Luật cán bộ công chức, Luật viên chức cũng có quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân”.
“Vậy đồng chí nào vi phạm các quy định này là sai. Hơn nữa lại là đảng viên, cán bộ quản lý thì có những quy định của Đảng. Người đứng đầu, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, ai vi phạm là vi phạm nguyên tắc Đảng và cả các quy định của công chức, viên chức”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cũng cho biết: “Đây có thể là sơ suất của anh em văn phòng Bộ Công Thương chứ chưa thể nói là hành vi “nịnh bợ” cấp trên. Anh em muốn thủ trưởng đi công tác thì đàng hoàng tí, nhưng với cá nhân tôi, là một chánh văn phòng bộ thì phải làm theo luật, kẻo ‘kính không bõ phiền”.
Một số ý kiến cho rằng trường hợp thứ 2 có nhiều khả năng, Văn phòng Bộ Công Thương từng có văn bản đề nghị cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dùng khu vực hạn chế trong sân bay và chính Bộ trưởng Công thương đã chỉ đạo bác bỏ yêu cầu này, đồng thời yêu cầu kiểm điểm bộ phận Văn phòng đã làm việc bất ổn này. Lần này, Bộ trưởng cần làm rõ hơn nữa về trách nhiệm người soạn công văn, đây là sự vô tình hay chính là hành vi nịnh bợ, lấy lòng.
Theo quy định hiện hành, lãnh đạo cấp Bộ trưởng và người phục vụ đưa đón có thể được cấp cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không; qua đó được đón tiễn tại sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A thay vì phải di chuyển ở nhà ga như các hành khách thông thường khác. Quy định không nêu áp dụng chế độ này cho “người trong gia đình Bộ trưởng”.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho hay, Bộ Công Thương đã được cấp thẻ kiểm soát an ninh sân bay với thời hạn một năm. Phương tiện và người dùng thẻ này vào đón người tại máy bay phải chịu trách nhiệm giám sát của lực lượng an ninh hàng không thuộc doanh nghiệp cảng. Còn sử dụng thẻ này ra sao thuộc về Bộ Công Thương”, ông Phương nói.