Khi bị cưỡng chế, một số hộ dân đã phản ứng, cương quyết không giao đất. Một số người căng băng rôn, mang quan tài để trước cổng phản đối. Theo những người dân này, Đồng Nai cưỡng chế thu hồi đất làm đường chỉ để phục vụ cho doanh nghiệp là Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) và các chủ đầu tư trong Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng.
Trước đó, như PLVN đã có loạt bài phản ánh trong năm 2018, dự án trên bị nhiều người dân phản đối, cho rằng tỉnh Đồng Nai đã lạm quyền khi cấp phép dự án này; việc thu hồi đất không đúng quy định; dự án không lấy ý kiến người dân và các tổ chức chính trị - xã hội; chính sách bồi thường, hỗ trợ quá thấp…
Thực tế trong cuộc cưỡng chế ngày 28/6 vừa qua, lực lượng chức năng chỉ cưỡng chế được một hộ gia đình. Với hộ cụ Lương Thị Hòa (79 tuổi, ngụ ấp An Xuân), do gia đình này phản ứng quá quyết liệt nên lực lượng chức năng sau đó đã rút lui.
Với gia đình ông Đỗ Hoàng Dũng (50 tuổi) và bà Trịnh Thị Bé (55 tuổi, ngụ ấp An Xuân), ông bà cho biết đã bị cưỡng chế quán tạp hóa và căn nhà trên mảnh đất rộng 198m2 mà “không hề họp hành, không gặp mặt thương lượng, không thuyết phục động viên, không giá cả đền bù”, lời bà Bé.
Sáng 26/6, tờ giấy Thông báo cưỡng chế mới đến tay bà Bé, nội dung ghi sẽ cưỡng chế vào ngày 27 - 28/6. Họ cho rằng đã tức tốc chạy lên UBND xã Long Hưng dự định chất vấn: “Tại sao giấy thông báo có từ ngày 17/6 mà đến ngày 26/6 mới thông báo đến nhà tui?”, nhưng không gặp ai có thẩm quyền trả lời.
Vợ chồng ông Dũng, bà Bé đứng cạnh chiếc quan tài trước nhà phản đối việc cưỡng chế |
Bà Bé kể cả ngày hôm sau vợ chồng bấn loạn, không làm được gì, không tính được gì. Rồi sáng 28/6, sau khi phong tỏa hiện trường, lực lượng cưỡng chế phát loa thông báo, chia thành nhiều mũi. Mũi đứng trước cổng đọc thông báo. Mũi khác tiến vào nhà. Vợ chồng bà khóa cửa lại. Xe múc tiến vào nhà, dỡ hàng rào.
Bà Bé kể, lúc này, bà ném chai xăng ra trước cổng với ý định nhảy vào đám lửa tự tử, nhưng người chồng lao ra cầm tay vợ nghẹn ngào: “Nếu chết thì vợ chồng cùng chết chứ bà chết tui ở với ai, bà phải sống với tui để cùng nhau tìm công lý chứ”. Thương chồng, bà thôi ý định tự tử, vợ chồng nắm tay chạy ra cửa sau phía sông. Khi vợ chồng trở về, căn nhà chỉ còn là đống gạch vụn.
Cuộc cưỡng chế gia đình cụ bà Lương Thị Hòa (79 tuổi) gần đó không như vậy. Trước giờ cưỡng chế, con cái cháu chắt cụ Hòa dồn cả về gian thờ tự chờ đợi. Phía ngoài cổng là hàng loạt băng rôn, biểu ngữ. Cụ Hòa cho hay sau nhiều năm gầy dựng, tôn tạo, gia đình cụ Hòa đang có ba bốn thế hệ sống quây quần trên khoảng 7.000m2, con cháu ra riêng cất thêm hai căn nhà phía sau, tổng cộng 44 nhân khẩu. Mặt tiền là đường Hương lộ 2, sau lưng là con sông Đồng Nai.
Hồi gần cuối năm trước, người chồng của cụ Hòa là cụ ông Trần Văn Bảo mất vì tai nạn giao thông ở chính Long Hưng, một vụ tai nạn khiến nhiều ý kiến băn khoăn. Cụ Bảo lúc còn sống là một trong nhiều người dân Long Hưng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ đất, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cụ hiện vẫn còn nằm ngay ngắn trong tủ thờ.
Cụ bà Lương Thị Hòa kể lại sự việc |
Gia đình thuần nông này có gần 5 ha đất ruộng, vườn. Ban đầu, năm 2012 chính quyền thu hồi trước 3,2ha dù gia đình không chấp nhận. Đất ruộng của cụ bị Donacoop san lấp phân lô. Tiền đền bù gia đình cho rằng quá rẻ mạt nên không nhận, Donacoop chuyển vào ngân hàng. Hàng chục con người mất kế mưu sinh, không miếng ăn, cuối cùng cha con ông cháu cụ Bảo phải ngậm ngùi cay đắng đến ngân hàng lấy tiền đền bù ăn dần. Sau đó gần 6.000m2 đất ruộng nhà cụ tiếp tục bị san lấp, phân lô và bán, nhưng lần này gia đình cụ cho rằng “không thấy một đồng đền bù, một lời thương lượng”.
Trở lại cuộc cưỡng chế ngày 28/6, san ủi xong nhà vợ chồng bà Bé, đến đầu giờ chiều đoàn cưỡng chế tiến về nhà cụ Hòa. Hơn 40 con người chờ sẵn, những người đàn ông con cháu cụ Hòa ở ngoài sân nêu ý kiến phản đối việc cưỡng chế. Trong căn nhà, cụ Hòa ngồi bên di ảnh và bàn thờ chồng, kiên quyết không mở cửa. Đoàn cưỡng chế tiến vào, máy ủi phá rào, cuốc đám cây trước nhà, nhưng gia đình cụ Bảo vẫn phản đối. Sau gần hai tiếng đồng hồ, đoàn cưỡng chế tạm dừng sau khi phá xong hàng rào và đám cây, thông báo gia đình trong 5 ngày phải sắp xếp, nếu không sẽ tái cưỡng chế.
Được biết hiện dọc bên Hương lộ 2 của xã Long Hưng có khoảng 20 hộ dân vẫn khiếu nại, chưa đồng tình giao đất để làm dự án. Họ cùng có nguyện vọng đề nghị cơ quan Trung ương và lãnh đạo tỉnh quan tâm xem xét lại sự việc, sát sao tâm nguyện của dân, xử lý vụ việc hài hòa quyền lợi người dân bị lấy đất và doanh nghiệp.