Bị can Lương Minh Tú, Giám đốc Cty TNHH Quốc Tuấn (chủ TTĐK 60-04D) và 8 đăng kiểm viên bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Võ Chí Giang (39 tuổi, nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T) và Lê Tín Trung (43 tuổi, Giám đốc Cty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang) bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”.
Theo KLĐT, từ năm 2020, một phần do sự cạnh tranh của nhiều TTĐK trên địa bàn, lượng xe giảm sút, một số bị can dùng nhiều thủ thuật nhằm thu hút khách hàng. Các đăng kiểm viên chủ yếu nhận tiền từ nhiều chủ xe tải để bỏ qua lỗi kỹ thuật và môi trường khi cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường.
Lương Minh Tú với vai trò Giám đốc đã chỉ đạo 8 đăng kiểm viên và nhân viên có xe quen dẫn mối đến đăng kiểm tại TTĐK 60-04D; "bật đèn xanh" cho việc nhận tiền rồi dùng nhiều thủ thuật để bỏ qua các lỗi đăng kiểm. Ngoài số tiền đóng phí đăng kiểm, phí đường bộ theo quy định (nộp vào cho kế toán), chủ các xe vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật phải đưa thêm từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng tùy loại xe.
Quy trình kiểm định xe cơ giới tại TTĐK 60-04D sẽ qua 5 công đoạn, theo quy định của Bộ GTVT, gồm: Kiểm tra nhận dạng, tổng quát; phần trên của phương tiện; hiệu quả phanh và trượt ngang; môi trường và phần dưới của phương tiện. Để bỏ qua các lỗi của xe đã “chung chi”, các đăng kiểm viên thường không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định, mà sử dụng các thủ đoạn làm sai lệch kết quả kiểm định.
Theo nguyên tắc, ở công đoạn kiểm tra môi trường, đăng kiểm viên sẽ khởi động xe, đạp ga liên tục 4 lần để máy đo ghi nhận mức độ khí thải, đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu thông số kỹ thuật tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.
Tuy nhiên, với các xe "chung chi", đăng kiểm viên sẽ làm sạch ống xả bằng cách gõ vào ống xả rồi đạp ga mạnh trước khi đưa xe vào máy đo; hoặc đạp ga từ từ cho đến khi có kết quả đạt; hoặc dùng tay che một phần máy đo để hạn chế tiếp xúc với khí thải của xe, từ đó đưa ra kết quả đạt.
Với nội dung kiểm tra phanh, theo quy định, khi đưa xe vào vị trí kiểm tra sẽ cho chạy trên bàn thắng rồi đạp phanh để máy đo đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu thông số tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.
Nhưng với các xe đã "chung chi", nhân viên đăng kiểm sẽ điều chỉnh cho bánh xe sát vào máy đo để tăng ma sát, dùng thêm phanh tay hoặc cài số lùi để đưa ra kết quả đạt. Trường hợp đã sử dụng các cách thức trên nhưng không có kết quả thì dùng xe cùng trọng lượng có phanh đạt tiêu chuẩn, để đưa vào đo thay.
Tương tự, ở khâu kiểm tra đèn xe bằng máy, nếu thông số đèn chiếu sáng không đạt, đăng kiểm viên sẽ sử dụng kết quả đo của đèn đạt cho cả hai đèn; hoặc sử dụng kết quả đo đèn của xe khác. Còn ở công đoạn kiểm định bằng mắt thường như gầm, đèn xi nhan thì các đăng kiểm viên sẽ cho đạt với các xe đã đưa tiền, bỏ qua các lỗi như đôn nhíp, ốc vít lỏng, đèn mờ, cơi nới thùng xe tải (từ 20 - 30cm)...
Các bị can bị xác định trong năm 2022 đã nhận tổng cộng 1,8 tỷ đồng. Riêng Giang và Trung thừa nhận đưa hối lộ cho đăng kiểm viên Lê Văn Lộc khi đăng kiểm tại TTĐK này. Quá trình điều tra, Tú khai đã nhận hối lộ 500 triệu đồng để bỏ qua các lỗi đăng kiểm.
Công an Đồng Nai nhận định, hành vi của các đăng kiểm viên gây nguy hiểm cho xã hội, mất an toàn giao thông, có sự thống nhất chặt chẽ giữa các thành viên, diễn ra liên tục trong thời gian dài gây bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng an ninh trật tự của địa phương...
Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các TTĐK trên cả nước, đến nay công an hơn 30 tỉnh, thành đã khởi tố hơn 60 vụ án với tổng cộng hàng trăm bị can.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn của Bộ Công an cho hay, vụ án đăng kiểm là vụ tham nhũng được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến Giám đốc nhiều TTĐK. Công an phát hiện có sự móc nối chặt chẽ giữa nhân viên kiểm định của Cục Đăng kiểm và các TTĐK để cấp giấy chứng nhận cho một số xe dưới chuẩn.
Liên quan lĩnh vực đăng kiểm, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, mới đây nhận được phản ánh của một số người dân và DN về một số vấn đề liên quan hoạt động đăng kiểm.
Cụ thể, hiện nay giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện miễn đăng kiểm lần đầu chưa được ban hành. Phải làm miễn phí trong khi cuối năm lượng xe đi kiểm định tăng nên có hiện tượng TTĐK từ chối nhận hồ sơ kiểm định lần đầu (xe mới) hoặc chỉ nhận vào một số ngày trong tuần, thời gian hẹn trả kết quả lâu.
Còn có việc một số TTĐK gợi ý người dân và DN phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm, hoặc gợi ý mua nối tiếp thời gian.
Còn có một số phản ánh về quá trình kiểm tra khí thải động cơ cháy do nén làm chết máy, hư hỏng động cơ của phương tiện; xảy ra tình trạng thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ gây bức xúc cho người dân và DN.
Cục Đăng kiểm nhận định, những vấn đề trên đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kiểm định vào giai đoạn cả hệ thống đang gồng mình cố gắng để từng bước lấy lại niềm tin của người dân và DN.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, yêu cầu các TTĐK không làm khó người dân và DN khi tự ý đưa ra các yêu cầu không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành.
"Nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đơn vị đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng", Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.
Trước kiến nghị từ các trung tâm về việc thu phí lập hồ sơ kiểm định lần đầu, Cục Đăng kiểm cho biết đã đề xuất Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định về mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện với những xe được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định. “Trong lúc chờ Bộ GTVT ban hành quy định, các đơn vị đăng kiểm phải bố trí nhân sự hợp lý để giải quyết thủ tục miễn kiểm định, bảo đảm được nhanh chóng, thuận tiện”, Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.
Cục Đăng kiểm cũng đang hoàn thiện phần mềm lập hồ sơ phương tiện cho xe được miễn kiểm định lần đầu để hỗ trợ các đơn vị đăng kiểm thực hiện công việc thuận lợi hơn.