Việc băng nhóm “xã hội đen” tại Bắc Ninh gồm 10 đối tượng do Minh “sâm” cầm đầu vừa bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" có tổ chức và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và nhiều tội danh khác đang là điểm nóng dư luận.
Đây là một ổ nhóm tội phạm lớn trên địa bàn, có nhiều mối quan hệ phức tạp và những thành tích lẫy lừng như mở võ đường để thu nạp đàn em, lập khu xưởng gỗ để hoạt động bảo kê, lập kỳ tích giải phóng mặt bằng trong hai ngày… Cơ quan điều tra đã phải mất một thời gian dài kỳ công làm công tác trinh sát, theo dõi mới có thể triệt phá. Trong số các đối tượng bị bắt, có vợ chồng con gái của ông trùm Minh “sâm” và con nuôi của Hưng “sóc”.
Phân hóa giàu - nghèo, mại dâm, ma túy, tội phạm là sản phẩm thuộc mặt trái của nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường đem lại cho đời sống xã hội nhiều ưu điểm, nhiều mặt tốt; song nó cũng đem lại cho xã hội, cho mỗi gia đình, mỗi con người những mặt trái mà hậu quả nhiều khi rất tàn khốc.
Theo những nghiên cứu gần đây của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm của nước ta có xu hướng gia tăng về số lượng vụ việc, mức độ nguy hiểm và cơ cấu tội phạm đang có sự thay đổi. Sự thay đổi trong cơ cấu tội phạm là: tội phạm có tổ chức, tội phạm là người có vị trí trong xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng. Cụ thể với việc phá băng xã hội đen ở Từ Sơn, Bắc Ninh như mô tả ở trên là minh chứng cho nhận định trên.
- Thứ nhất, đây là một tổ chức tội phạm có tổ chức núp dưới danh nghĩa là các tổ chức kinh doanh; “Công ty TNHH Đại An” và “Công ty TNHH Thành Hưng”. Việc thành lập công ty trong nền kinh tế thị trường được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện. Bởi vậy, tổ chức tội phạm này đã tạo được vỏ bọc “Tin cậy” và “Hợp pháp” dưới danh nghĩa “Công ty” để hợp thức hóa các hoạt động phạm tội dưới vỏ bọc “Bảo vệ”.
- Thứ hai, là tổ chức tội phạm có sự liên kết trên cơ sở dòng máu, gia đình: Trần Thái Sơn, con rể của Minh “sâm”; Nguyễn Thu Hằng, con gái Minh “sâm”, vợ của Sơn; Quách Văn Lộc, con nuôi Hưng “Sóc”. Ngay sự liên kết của hai ông trùm cũng trên nền tảng của tình cảm “anh em kết nghĩa”. (Theo tài liệu cơ quan điều tra, Hưng “sóc” nổi tiếng là một gã giang hồ cộm cán, ra tù vào tội từ những năm 1973, với tổng cộng ba án kéo dài hơn 20 năm, Hưng trở thành một trong những đàn anh ở trại giam cũng như tại địa phương.
Năm 20 tuổi, Minh “nhúng chàm” trong một vụ án dùng vũ khí quân dụng giết người, tuổi trẻ của Minh cũng được gắn bó sau song sắt. Vào trại, Minh chỉ là “dân đen”, thường bị các bạn tù bắt nạt, may mắn gặp Hưng là một đàn anh ở lâu lên lão làng, đã có số má trong trại, lại cùng đồng hương Bắc Ninh nên Minh được Hưng che chở, bao bọc để sau đó Minh cũng trở thành một đàn anh có số má trong trại. Từ đó, Hưng “sóc” và Minh “sâm” trở thành đôi bạn thân. Mối quan hệ giang hồ ấy đã kết dính khi Minh “sâm” nhận Hưng “sóc” làm anh em kết nghĩa).
Bởi vậy, các băng, nhóm xã hội đen thường được hình thành trên nền tảng tình cảm, họ hàng, ruột thịt và tạo một vỏ bọc hợp pháp đang là xu hướng phổ biến không chỉ ở tổ chức tội phạm này mà còn ở nhiều tổ chức tội phạm khác. (Để duy trì được những phi vụ làm ăn phi pháp, tất nhiên các ông trùm nhất thiết cần phải có những cánh tay tin cậy bên mình và ở đây, Hưng “sóc” và hai con của ông trùm – máu mủ ruột thịt là những người đáng tin cậy nhất).
- Thứ ba, để che giấu tội ác của mình, các tổ chức tội phạm ngoài việc tạo vỏ bọc “hợp pháp”, chúng còn tạo ra các vỏ bọc chắc chắn khác dưới các danh nghĩa: hoạt động từ thiện, hoạt động bảo trợ, cứu giúp người nghèo, người khó khăn như hoạt động của hai ông trùm Minh “sâm” và Hưng “sóc” ở Từ Sơn.
- Thứ tư, để tạo vỏ bọc, ngoài các thủ đoạn trên, các tổ chức tội phạm còn cố tạo ra các danh hiệu mà không do năng lực của mình mà do từ tính côn đồ, tính tàn bạo để qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận, rồi được tặng danh hiêu, khen thưởng. Cụ thể như: Theo thông tin báo chí đưa, năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Công ty TNHH Đại An thi công Tỉnh lộ 277 (đoạn từ cầu Tấn Bào đến khu lưu niệm ở xã Phù Khê) dài 2,2 km, mặt cắt đường rộng 33-35 m theo tiêu chuẩn đường đô thị, với vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng.
Công trình này đi qua khu dân cư làng nghề với nhiều cửa hàng với giá đất được ví là “tấc đất tấc vàng” nên rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nhưng chỉ sau 2 ngày nhóm của Minh” sâm” ra tay, các hộ dân đã răm rắp đến nhận tiền và tháo dỡ phần diện tích giải tỏa, không có khiếu kiện gì. “Bí quyết” của chúng là khi triển khai giải phóng mặt bằng, Minh “sâm”, Hưng “sóc” dẫn theo một nhóm côn đồ, tay lăm lăm hung khí nên người dân không ai dám “trái lệnh”, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ngoan ngoãn ký nhận và bàn giao mặt bằng).
- Thứ năm, với các ông trùm “có số” như Minh “sâm”, Hưng “sóc”, việc hoàn lương là rất khó. Trong một khắc nào đó có thể họ hoàn lương, tỏ vẻ nhân đức. Nhưng khi thời cơ, điều kiện đến là “ngựa quen đường cũ”. Cái vỏ bọc hoàn lương “làm trưởng thôn” của Hưng “sóc” là minh chứng.
Thông tin từ báo chí cho thấy, nhiều người dân nhận xét: dưới sự quản lý của trưởng thôn Hưng “sóc”, người dân thôn Phù Khê Thượng (xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn) được sinh con và đốt pháo nhân các dịp lễ hội thoải mái (bất chấp các quy định cấm của chính quyền).
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc để các tổ chức xã hội đen có tổ chức lộng hành thời gian dài, trên một địa bàn sát cạnh Thủ đô và có truyền thống cách mạng; thể hiện sự yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương qua các thời kỳ trên địa bàn huyện Từ Sơn không thể không có trách nhiệm trong việc để cho các ông trùm Minh “sâm” và Hưng “sóc” lộng hành nhiều năm trên địa bàn huyện như vậy./.