Vào thời điểm năm 1979, trên lãnh thổ đất nước CHLB Đức ngày nay tồn tại hai nhà nước Đức, nước CHLB Đức và nước CHDC Đức. Gotha là một thành phố ở CHDC Đức. Tại đó có lâu đài Freudenstein rất nổi tiếng trên thế giới. Trong lâu đài, như ở mọi lâu đài cổ trên đất nước này và trên khắp châu Âu, có rất nhiều tranh và tượng của những nghệ sỹ bậc thầy thời trung cổ. Ngày 15/12/1979, lâu đài Freudenstein bị đột nhập và kẻ đột nhập lấy đi 5 bức tranh giá trị nhất trong số mọi tác phẩm nghệ thuật ở đó.
Đúng là ở trong lâu đài này, hệ thống bảo vệ an ninh không được tốt. Nhưng điều có thể chắc chắn được ngay là kẻ đột nhập biết rất rõ giá trị của những tác phẩm nghệ thuật trong lâu đài nên đã lấy trộm những bức danh họa có giá trị nhất. Cảnh sát không điều tra ra kẻ trộm đã đột nhập vào lâu đài bằng cách nào nhưng biết rất chính xác lối thoát. Kẻ trộm thoát ra bằng một sợi thừng nhỏ tuồn từ một cửa sổ lâu đài ra ngoài.
Vụ trộm tác phẩm nghệ thuật này gây chấn động nước CHDC Đức khi ấy. Rất nhiều giả thiết đã được đặt ra và cảnh sát điều tra theo nhiều hướng khác nhau nhưng rồi vẫn không tìm ra được lời giải cho câu đố này.
Đầu tiên, nghi vấn đổ dồn vào một tốp trộm chuyên nghiệp đã từng tìm cách đột nhập vài lâu đài và lấy trộm chính 5 bức tranh hoạ nói trên. Năm 1977, nhóm này đã bị bắt về hành vi phạm pháp khác và họ được ân xá đúng 1 tháng trước khi xảy ra vụ trộm lấy đi 5 bức tranh hoạ nói trên. Nhưng rồi cảnh sát điều tra phải xác nhận rằng họ không phải là thủ phạm.
Một hướng điều tra khác nữa dẫn đến một xí nghiệp mổ bò và lợn chuyên xuất khẩu sang CHLB Đức thông qua một công ty ở CHLB Đức, mà công ty này được cho là có mối quan hệ rất thân thiết với lãnh đạo cao cấp của cả hai nhà nước Đức.
Người ta nghi vấn rằng những bức tranh nổi tiếng kia đã theo các khối thịt bò, thịt lợn đông lạnh rời khỏi CHDC Đức và sang CHLB Đức và rồi được bán đi. Cũng có những giả thiết cho rằng có kẻ giàu có ở CHLB Đức thuê lấy trộm để đánh đổi lấy việc chính phủ CHDC Đức trả tự do cho một người bạn của kẻ giàu có này. Cũng có ý kiến cho rằng Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức chủ mưu tiến hành vụ trộm nhằm mục đích gì đó.
Tất cả đều không đúng nhưng đồng thời vụ trộm tranh kỳ bí này vẫn là câu đố. 5 bức tranh không hề xuất hiện trở lại dù chỉ một lần trong thời gian gần 40 năm từ sau khi bị lấy trộm đi khỏi lâu đài Freudenstein.
Cho tới năm 2018. Khi ấy, thiên hạ mới biết 5 bức tranh kia nằm trong tay một người đàn ông ở CHLB Đức trước đây. Người này khi qua đời để lại chúng cho 3 người con. Một trong số đấy đã liên hệ với chính quyền thành phố Gotha để thương thảo việc bán lại 5 bức tranh. Hai bên tiến hành đàm phán và kết quả là thành phố có lại được 5 bức tranh mà không phải trả tiền. Trên thực tế có phải như vậy thật hay không thì chỉ có người trong cuộc mới biết.
Vụ trộm đã hết thời hạn điều tra từ năm 2009 nhưng hiện tại phía tư pháp lại tiến hành điều tra 3 người con của người giữ số tranh với cáo buộc tống tiền. Người này chắc phải biết rất rõ nguồn gốc những bức tranh và quá trình lưu lạc của chúng trong gần 40 năm sau đấy. Chỉ có điều là người ấy đã chết và không biết những người con biết bao nhiêu về những gì. Lời giải cho câu đố có thể được tìm thấy, nhưng cũng có thể mãi mãi không có được nữa.