Lấy từ tiền công đức tới… sắc phong
Nhận được thông tin, Phòng CSHS Công an Hà Nội đã phối hợp Công an huyện Mỹ Đức khẩn trương tổ chức điều tra. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ quan công an phát hiện một đối tượng nghi vấn đang cất giữ đôi lọ lục bình có đặc điểm giống tang vật của vụ trộm cắp tại đền Vân Mộng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng điều tra đã làm rõ, bắt giữ ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ tài sản do trộm cắp tại đền Vân Mộng.
Nhóm đối tượng gồm Phạm Đức Hùng (SN 1980, HKTT xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam); Bùi Hữu Đạt (SN 1973, HKTT xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1979, HKTT xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Trong số này, Hùng có đến 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản, chuyên chọn nơi gây án là đền, chùa, các nơi thời tự. Đạt là một "đầu nậu" chuyên mua bán đồ cổ vật, thờ cúng, có 1 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cường cũng là đối tượng chuyên tiêu thụ tài sản trộm cắp.
Do không có công ăn việc làm ổn định, lại thích ăn chơi nên Hùng thường xuyên tăm tia ở các nơi thờ tự để thể hiện nghề "hai ngón". Đối tượng cho rằng, so với các khu vực nhà dân hay công sở thì tại các đình, đền, chùa... công tác bảo vệ thường sơ hở hơn cả. Sau một thời gian “tăm tia”, Hùng phát hiện trong đền Vân Mộng có nhiều đồ thờ cúng giá trị cao, có thể trộm cắp được nên đã vạch kế hoạch gây án.
Đêm 8/1/2022, sau khi đã chuẩn bị các công cụ gồm xà cầy (xà beng), tuốc nơ vít, kìm điện, bao tải dứa... Hùng đi xe máy từ nhà ở huyện Bình Lục, Hà Nam sang huyện Mỹ Đức gây án. Đối tượng giấu xe máy ở đoạn đường nhỏ giáp với núi, cách đền Vân Mộng khoảng 100m. Sau đó Hùng men theo bờ tường để vào bên trong sân đền.
Phát hiện cửa gian thờ phía bên phải không khóa, Hùng nhanh chóng đột nhập. Tại ban thờ chính, Hùng thấy có một két sắt nên đã dùng xà cầy cậy phá, lấy được gần 1 triệu đồng. Hùng tiếp tục đi vào gian phía trong lấy trộm được 2 lọ lục bình bằng sứ, 1 hòm tôn bên trong có các sắc phong bằng giấy, 1 hộp gỗ có chiều dài hơn 60cm, chiều ngang khoảng 17cm, nắp hộp có hình 2 con rồng.
Thấy dưới chân ban thờ chính có 1 chiếc đỉnh đồng rất nặng, cho rằng bán được tiền, Hùng lập tức tháo hai quai xách rồi lấy tấm vải ở trong gian thờ quấn đỉnh đồng lại cho vào bao tải. Trong quá trình tẩu thoát, Hùng làm rơi một hộp tôn đựng sắc phong, chỉ còn lại hộp gỗ.
Nhóm đối tượng trộm cắp, tiêu thụ cổ vật trộm tại đền Vân Mộng. |
Tự trả lại tang vật vì lo sợ
Hùng mang đồ trộm cắp về nhà cất giấu, nghe ngóng thông tin và đến ngày 16/1/2022, Hùng tiếp tục quay lại đền Vân Mộng trộm thêm một số tài sản khác, tiếp tục mang về nhà cất giấu.
Sáng 24/1/2022, Bùi Hữu Đạt đến nhà Hùng chơi, thấy trong nhà Hùng có hai lọ hoa lục bình bằng sứ màu trắng. Do có sở thích sưu tầm và mua bán cổ vật nên Đạt hỏi mua lại 2 lọ lục bình để bán kiếm lời.
Sau khi thỏa thuận, Hùng đồng ý bán đôi lục bình cho Đạt với giá 20 triệu đồng. Đạt mang cặp lọ lục bình về nhà để trên sập, chụp ảnh, đăng lên tài khoản Zalo cá nhân để rao bán.
Nguyễn Mạnh Cường đọc được bài đăng trên Zalo của Đạt, đã hỏi mua lại đôi lọ lục bình. Sau khi thỏa thuận, Đạt đã bán cho Cường đôi lục bình với giá 23 triệu đồng, nhưng Đạt không mang theo tiền mặt, hẹn ngày hôm sau sẽ trả tiền.
Chiều 25/1/2022, Cường hẹn gặp Đạt và trả số tiền 20 triệu đồng bằng tiền mặt, còn lại 3 triệu đồng Cường xin nợ, hẹn sẽ trả sau. Sau đó Cường thuê một người đi xe máy chở cặp lục bình đến trước số nhà 16 phố Hàng Cót, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để cho khách mua xem thì bị Phòng CSHS phát hiện, bắt giữ.
Ngày hôm sau, nghe tin công an đang điều tra vụ trộm cắp và lo sợ bị phát hiện nên Hùng đã mang 1 hộp gỗ nắp hộp có hình 2 con rồng và 1 đỉnh đồng đến sân đền Vân Mộng trả lại cho nhà đền. Hiện Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Lý giải tình trạng trộm cắp ở các địa điểm tâm linh, một cán bộ công an nhận định có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do công tác bảo vệ có phần buông lỏng. Một số ban quản lý đình, đền, chùa, các di tích, danh thắng cho rằng "động vào của chùa là phải tội" nên có sự chủ quan nhất định. Ngoài ra, việc nhiều cổ vật ở đình, chùa bị trộm cắp còn do giới buôn cổ vật luôn có đơn đặt hàng với những món đồ này, nhất là những đạo sắc phong, tượng cổ, bình cổ, đỉnh đồng... Đó là “động lực” để các đối tượng ngày đêm lập mưu trộm cắp, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trong một chuyên án trộm cắp gần đây, CQĐT còn phát hiện nhóm đối tượng thường xuyên giả làm khách vãn cảnh, rồi giả là thầy bói... để chui vào những địa điểm thờ tự mà chúng cho là có nhiều cổ vật. Từ đó các đối tượng ghi nhớ đường đi lối lại, cửa chính, cửa ngách, nắm quy luật ra vào đền, chùa từ đó lên kế hoạch trộm cắp.
Trong vụ triệt phá ổ nhóm chuyên trộm cổ vật ở Hà Nội và Hà Nam cách đây chưa lâu, hai “đạo chích” Nguyễn Văn Huy (quê Hưng Yên) Nguyễn Văn Hậu (quê Hà Nam) được Nguyễn Văn Toàn (ngụ Hà Nội) đặt hàng; nhóm này trộm được gì là Toàn sẽ mua hết. Do đó chỉ trong vòng 8 tháng, Huy đã rủ Hậu đi khắp Hà Nội và Hà Nam, gây ra 13 vụ trộm cắp tại hàng chục đền, chùa; lấy đi nhiều chuông đồng, cuốn thư, cửa võng, tượng Phật, bát nhang, kiếm, bài vị...