Vụ chuyển nhượng rủi ro
Năm 2008, do cần tiền chữa bệnh cho con, bà Hà đã bán 2 công đất tại ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc cho ông Phù Sách Xóc (ngụ tại Phú Quốc) với giá 65 triệu đồng /1 công (tổng cộng là 130 triệu đồng), nhận tiền bằng hai lần.
Theo bà Hà thì lần đầu, ông Trương Văn Cường (là người môi giới, ngụ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) trực tiếp mang 100 triệu trả thay ông Xóc và viết sẵn giấy biên nhận để cho bà Hà và con gái Nguyễn Thị Nguyên (Ngân) ký tên. Lần thứ 2, ông Xóc một mình đến gặp bà Hà và trả tiếp 30 triệu đồng. Ông Xóc cũng viết sẵn biên nhận cho bà Hà ký nhận đủ tiền bán 2 công đất.
Khoảng vài tháng sau đó, ông Xóc cho người lên rào lại 2 công đất này để tách bạch với 3 công đất còn lại của bà Hà. Ông Xóc còn tỏ ra tốt bụng, cho bà Hà thêm 8 triệu đồng để làm chi phí đi lại nhận GCNQSDĐ về giao lại cho ông Xóc đi tách thửa.
Đến ngày 31/3/2011, bà Hà chính thức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 4.967,2m2. Ông Xóc đã mượn bà Hà bản gốc GCNQSDĐ giấy tờ để đi làm thủ tục tách thửa. Do tin tưởng, bà Hà đã giao giấy tờ cho ông Xóc.
Sau đó, nhiều lần bà Hà gọi điện hỏi nhưng ông Xóc đều nói chưa làm xong thủ tục tách thửa. Một thời gian sau, do ông Xóc bị chết đột ngột nên bà Hà cũng không biết phải làm sao để lấy lại giấy tờ gốc.
Khoảng tháng 4/2015, bà Hà tiến hành cất nhà trên đất thì bị bà Hùng Thị Oanh (vợ ông Xóc) đến tranh chấp, trình GCNQSDĐ mang tên ông Xóc với diện tích 4.967,2m2 , yêu cầu bà Hà phải dỡ nhà, trả đất.
Những bản công chứng cần giám định
Ngày 03/4/2017, xét xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Quốc đã có Bản án số 18/2017/DS-ST, buộc bà Hà phải tháo dỡ nhà, trả lại đất cho bà Oanh.
Ngày 26/9/2017, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 18/2017/DS-ST, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Phú Quốc giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 31/10/2019 vừa qua, TAND huyện Phú Quốc vẫn ra phán quyết như bản án sơ thẩm lần 1, buộc bà Hà phải giao đất cho nguyên đơn.
TAND huyện Phú Quốc căn cứ vào tài liệu bà Oanh cung cấp là bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Công chứng viên Phí Quang Lưu, Phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang (trụ sở tại Phú Quốc) công chứng ngày 5/5/2011 để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Theo Hợp đồng này, bên chuyển nhượng (A) là Lê Thị Hà; bên nhận chuyển nhượng (B) là Phù Sách Xóc. Thửa đất chuyển nhượng là thửa đất theo GCNQSDĐ số BC 178543 với diện tích 4.967,2 m2 thuộc quyền sử dụng của bên A… Giá tiền chuyển nhượng là 402.800.000 đ. Công chứng viên Phí Văn Lưu ghi rõ: “Các bên đã đọc lại Hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của tôi”.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng bản Hợp đồng được công chứng trên là hoàn toàn giả mạo vì bà không biết chữ, không đến Phòng Công chứng số 2 và không gặp mặt Công chứng viên Phí Quang Lưu. Phiếu yêu cầu công chứng ngày 5/5/2011 cũng giả mạo chữ ký của bà. Thực tế thì bà chỉ chuyển nhượng 2000m2 đất cho ông Xóc với giá 130 triệu đồng chứ không chuyển nhượng toàn bộ thửa đất gần 5.000 m2 như nêu trong Hợp đồng.
Theo bà Hà, bà còn bị giả mạo chữ ký trong Biên bản hòa giải tại ấp Khu Tượng ngày 11/5/2015 (bà Hà không ký tên nhưng vẫn có chữ ký). Bà Oanh đã nộp Biên bản có chữ ký giả cho Tòa án để làm thủ tục thụ lý vụ án.
Tuy nhiên, khi TAND huyện Phú Quốc trưng cầu giám định chữ ký tại Phân viện Khoa học hình sự năm 2017 thì kết quả giám định lại thể hiện chữ ký trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Công chứng viên Phí Quang Lưu công chứng ngày 5/5/2011 là chữ ký của… bà Hà.
Theo yêu cầu của bà Hà, Tòa án có mời Công chứng viên Phí Quang Lưu đến tham dự phiên tòa nhưng ông Lưu xin vắng mặt. Trong đơn đề nghị xét xử vắng mặt gửi Tòa án ngày 20/6/2019, ông Lưu cho rằng: “Phòng Công chứng đã tuân thủ đúng thủ tục về công chứng hợp đồng giao dịch... Chữ ký trong hợp đồng... đúng là chữ ký của người tham gia hợp đồng và được thực hiện tại Phòng công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang”.
Hiện, bà Hà đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 31/10/2019 và tiếp tục khẳng định có việc giả mạo chữ ký và công chứng “khống”, đề nghị giám định lại chữ ký tại cơ quan giám định khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Mong rằng tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Kiên Giang sẽ chấp nhận đề nghị của bà Hà và tiếp tục làm rõ kiến nghị của bà Hà về việc không có mặt công chứng viên, bị giả mạo chữ ký trong biên bản hòa giải, trong phiếu yêu cầu công chứng và Hợp đồng chuyển nhượng đất.