“Thông báo tạm giao” có dấu hiệu không phù hợp pháp luật
Theo hồ sơ, năm 1995, giữa cụ Phạm Kỳ Dư (cha bà Hà) và 4 hộ dân (trong đó có bà Hoa) có văn bản thỏa thuận nhượng 4.500m2 đất để cụ Dư khai thác đất làm gạch. Cùng năm, UBND huyện ra Thông báo 19/TB-UB tạm giao cụ Dư 9.000m2 đất làm gạch. Các văn bản trên đều không xác định chính xác vị trí khu đất ở đâu, số thửa, số bản đồ nào, tọa độ bao nhiêu.
Năm 1999 bà Hoa được cấp sổ đỏ 3.559m2 tại thửa 30, 31 tờ bản đồ 14. Năm 2014, sau khi cha qua đời, con cụ Dư cho rằng thửa 30, 31 nằm trong 9.000m2 cha mình được tạm giao, nên khởi kiện đòi đất.
Về phía bà Hoa, cho hay khu đất trên bà khai hoang từ những năm 1980, sử dụng liên tục, không tranh chấp, không mua bán với ai; đến 1999 được cấp sổ đỏ. Bà Hoa cho rằng con cụ Dư đã nhầm lẫn. Diện tích đất huyện tạm giao cụ Dư năm 1995 là diện tích khác nào đó, không liên quan thửa 30, 31 của bà.
LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định Thông báo 19 không phù hợp pháp luật. Sau này, ngày 21/9/2017, trong Văn bản 2294/UBND-TNMT, chính UBND huyện cũng xác nhận Thông báo 19 đã bị thay thế.
Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 95-HĐBT năm 1992 thi hành pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản; khoản 2 chương II Thông tư liên bộ 07/LB-TT năm 1992 hướng dẫn việc sản xuất gạch ngói nung; Điều 23 Luật Đất đai 1993; thì việc giao đất để làm gạch ngói phải do UBND cấp tỉnh ra quyết định. Việc UBND huyện ra thông báo thỏa thuận tạm giao đất là không đúng thẩm quyền, không đúng hình thức văn bản.
Nghị định 95-HĐBT, Thông tư liên bộ 07/LB-TT quy định rõ việc thẩm định, thủ tục giao đất sản xuất gạch ngói thuộc UBND cấp tỉnh và phải có quyết định hoặc giấy phép sản xuất. Thời hạn giao không quá 10 năm.
UBND huyện cho biết ngày 27/02/2004 đã ra Quyết định 85/QĐ.UB thay thế Thông báo 19, thu hồi đất đã tạm giao cụ Dư và giao gần 4.000m2 cho cụ Dư để làm gạch.
“Quyết định 85/QĐ.UB nêu rõ “các văn bản giao đất trước đây có nội dung trái với quyết định này đều bãi bỏ”. Vì vậy trong vụ kiện này, không thể coi Thông báo 19 là căn cứ pháp lý; vì nội dung và hình thức vừa có dấu hiệu trái luật, lại đã bị huyện bãi bỏ, thay thế bằng quyết định khác. Đây là vấn đề mà cấp phúc thẩm cần làm rõ”, LS Hiệp nói.
Quyết định 85 nêu rõ “các văn bản giao đất trước đây có nội dung trái với quyết định này đều bãi bỏ”. |
Bất thường chữ ký “Hoa” trong văn bản nhượng đất năm 1995
Vụ kiện đã kéo dài nhiều năm. Trước đó, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử vụ án này 1 lần vào 2018 trong phiên phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm lần đầu của tòa huyện. Do vụ án kéo dài nhiều năm, quy định về thẩm quyền xét xử thay đổi, nên năm 2022 phiên sơ thẩm vụ kiện này do TAND tỉnh thụ lý. Nội dung 2 bản án có một số vấn đề không thống nhất với nhau.
Bản án năm 2018 xác định căn cứ sổ mục kê và sổ địa chính thì gia đình bà Hoa kê khai thửa 30, 31 và nộp thuế từ 1986 - 1999 nên được cấp sổ đỏ. Con cụ Dư cho rằng thửa 30, 31 do ông Nham chuyển nhượng, nhưng quá trình xét xử không làm rõ được nguồn gốc thửa 30, 31 là của ông Nham, không có chứng cứ về việc chuyển nhượng.
Tuy nhiên, trong bản án năm 2022, tòa tỉnh lại cho rằng diện tích bà Hoa nộp thuế nhỏ hơn diện tích được cấp sổ đỏ nên không chứng minh được bà Hoa nộp thuế thửa 30, 31. Đồng thời, bản án không nhắc đến việc thửa 30, 31 có phải từng được ông Nham chuyển nhượng hay không; mà cho rằng nằm trong diện tích đất huyện giao cụ Dư.
Năm 2018, tòa cho rằng tại biên bản chuyển nhượng không ghi giá chuyển nhượng; tại biên bản thỏa thuận đền bù không ghi cụ thể diện tích từng hộ, số tiền bao nhiêu, cụ Dư đã trả hay chưa?
Năm 2022, tòa lại cho rằng cụ Dư hoàn tất đền bù thì huyện mới giao đất; và bà Hoa không cung cấp mẫu chữ ký do không biết chữ nên không giám định được chữ ký trong biên bản thỏa thuận là thật hay giả.
LS Hiệp và ông Trần Văn Út (đại diện bị đơn, con của bị đơn) không đồng ý với một số lập luận trong bản án năm 2022. “Chữ ký trong biên bản ngày 17/3/1995 không phải của mẹ tôi. Mẹ tôi hoàn toàn mù chữ, 1 chữ bẻ đôi không biết, cơ quan giám định không thu thập được mẫu chữ ký, nên đương nhiên chữ ký đó là giả, chứ không thể lập luận “không biết là thật hay giả” được”, ông Út nói.
Về quá trình sử dụng đất, PV nhận thấy có nhiều nhân chứng là người sinh sống quanh khu vực đất tranh chấp; cũng như UBND huyện Côn Đảo khẳng định là bà Hoa canh tác, sử dụng ổn định từ 1986 đến nay, không có tranh chấp với ai. Tuy nhiên, bản án lại chỉ dựa vào lời khai của nguyên đơn, cùng hiện trạng là đất trũng, để cho rằng đất do cụ Dư khai thác, sử dụng. Trong khi đó con đường trước mặt khu đất đã nâng nền 3 lần nhưng bản án không nhắc đến.
“Gia đình tôi được cấp sổ đỏ với 9.449m2 gồm cả đất nông nghiệp và đất thổ vườn (không đóng thuế). Cơ quan thuế xác định gia đình tôi nộp thuế từ 1996 - 2003 với diện tích đất nông nghiệp là 5.900m2. Nhưng bản án lại dựa vào thông báo của cơ quan thuế để cho rằng không xác định được gia đình tôi có đóng thuế thửa 30, 31 hay không; là chưa phù hợp. Nếu không xác định được thì tòa cần yêu cầu cơ quan thuế làm rõ nhà tôi đóng thuế thửa nào, giá bao nhiêu”, ông Út nói.
Tại sao cụ Dư không kê khai?
Bản án năm 2022 cho rằng còn có ông Trần Văn Đảo chuyển nhượng đất cho cụ Dư sau khi ông Đảo được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, trả lời PV, ông Đảo cho hay nhận định trên là không đúng sự thật. “Từ 1995 đến nay, tôi không kê khai và không được cấp sổ đỏ với đất đã nhượng cho cụ Dư. Ngày đó tôi nhượng đất cho cụ Dư để lấy đất làm nguyên liệu chứ không phải để canh tác. Tại sao năm 1999 cụ Dư không kê khai những diện tích đất làm gạch? Tôi cho rằng vì ở địa phương, khi đó ai cũng biết rõ việc đất ấy chỉ để khai thác nguyên liệu, chứ không được đứng tên sử dụng”.
Trong Văn bản 2294/UBND-TNMT, UBND huyện cũng cho biết năm 1999 việc đo đạc lập bản đồ tiến hành đồng bộ. Nếu cụ Dư sử dụng thửa đất 30,31 từ 1995 thì tại thời điểm đo đạc, cấp sổ đỏ đã có tranh chấp.
Năm 2003, khi nộp hồ sơ cấp sổ đỏ cụ Dư không kê khai thửa 30, 31; sau này đến khi qua đời cũng không khiếu nại, tranh chấp gì.
Năm 2004, khi nhận được quyết định 85 khi chỉ được giao gần 4.000m2 (trong khi Thông báo 19 là 9.000m2) cụ Dư cũng không có ý kiến, không khiếu nại.