Ngày 22 và 29/12/2019, Báo PLVN có đăng tải 02 bài viết với tiêu đề: “Nhiều khúc mắc cần làm rõ trong vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch” và “Vụ tranh chấp đất tại Nhơn Trạch: Tờ di chúc bị che giấu và những uẩn khúc cần làm rõ”.
Bản di chúc (tờ tương phân) của cụ Châu, cụ Phú để lại |
Thông tin minh bạch, đa chiều
Theo đơn kiến nghị gửi Báo của bà Lê Thị Nhê đại diện cho chồng là ông Huỳnh Thành Lê (là cha mẹ của ông Huỳnh Thanh Bình - nhân vật chính trong nội dung 02 bài báo mà Báo PLVN nêu trên) cho rằng có một số thông tin được nêu trong 02 bài báo là không chính xác và khách quan.
Cụ thể, theo ý kiến của bà Nhê, bài báo “Vụ tranh chấp đất đai tại Nhơn Trạch: Tờ di chúc bị che giấu và những uẩn khúc cần làm rõ” có nội dung: … “đến căn nhà tuềnh toàng, ông Bình không tấc đất trong tay...” là không chính xác. Bà Nhê cho rằng, ông Bình có hàng nghìn mét đất tại mặt đường, khu đất này có giá trị để kinh doanh, buôn bán.
Về vấn đề này, Báo PLVN phản hồi lại với bạn đọc như sau: Việc ông Bình có sở hữu (hoặc không) khu đất khác không nằm trong khu vực đang tranh chấp giữa vợ chồng ông bà Nhê với ông Bình không phải là căn cứ để làm thay đổi nội dung, bản chất của bài báo.
Nội dung của 02 bài báo nhằm đưa thông tin về những vướng mắc, một số vấn đề ông Bình cho rằng chưa được làm sáng tỏ trong việc xử lý, giải quyết vụ án tranh chấp đất đai giữa các bên. Cùng với đó, tài sản của ông Bình – một nông dân bình thường, không phải diện cán bộ, công chức phải công khai tài sản. Do vậy, việc sở hữu tài sản nào, ở đâu của ông Bình là quyền riêng tư, không nằm trong phạm vi báo chí được khai thác và sử dụng đưa tin.
Cũng trong đơn kiến nghị, vợ chồng bà Nhê cho rằng, ông Bình có hành vi hành hung, đe dọa vợ chồng bà là trái với đạo làm con, trái luân thường đạo lý nhưng lại không được phóng viên thu thập và đăng tải vào bài viết.
Liên quan đến nội dung này, Báo PLVN cho rằng: Việc mâu thuẫn trong gia đình gần như là không tránh khỏi, việc ông Bình có những hành vi như bà Nhê nêu ở trên, Báo PLVN nhận thấy không cần thiết phải tìm hiểu và đặc biệt là đăng tải. Thậm chí, với những thông tin như vậy, gây tâm lý không tốt cho bạn đọc, hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của người Việt.
Với hai lý do trên, Báo PLVN cho rằng, việc vợ chồng bà Nhê cho rằng bài báo đưa thông tin không khách quan, không chính xác và có mục đích nào khác là không có căn cứ.
Tờ tương phân là tờ di chúc
Cũng trong đơn kiến nghị, vợ chồng ông bà Nhê có ý kiến cho rằng, tít bài báo lại viết “Tờ di chúc bị che giấu…” là không đúng.
Về vấn đề này, Báo PLVN phản hồi như sau: Trong đơn kiến nghị gửi báo, vợ chồng bà Nhê đã thừa nhận: Tờ tương phân (tờ di chúc) do bố mẹ chồng bà là ông Huỳnh Ngọc Châu và Nguyễn Thị Phú lập ngày 8/1/1976, có nội dung: “Phần 1ha còn lại, số ruộng này và 2ha rừng để phần hương hỏa, vợ chồng tôi hưởng đến tuổi già sẽ cho Huỳnh Thanh Bình cháu nội được quyền hưởng”…
Sau khi cụ Châu và Phú qua đời, do anh Bình còn quá nhỏ, nên vợ chồng ông bà Nhê trực tiếp quản lý và sử dụng và sau đó sang nhượng cho người khác. Đến năm 2001, khi vợ chồng ông bà Nhê có tranh chấp với người khác thì tại buổi hoà giải tranh chấp tại UBND xã, anh Bình mới có ý kiến “Phần đất rẫy của ông nội tôi để lại cho tôi (có tương phân), tôi đồng ý để lại cho cha tôi sang nhượng để xây dựng mồ mả và đơm cúng ông bà” nhằm giải quyết tranh chấp giữa ông bà và người liên quan.
Theo thông tin bài báo đăng tải và vấn đề nêu trên trong đơn kiến nghị của vợ chồng ông bà Nhê thì nội dung này không có sự khác biệt. Bài báo cũng khẳng định, đến năm 2001 ông Bình mới chỉ được nghe nói có tờ di chúc do ông bà nội mình để lại. Bên cạnh đó, năm 1981 cụ Châu chết, năm 1982 cụ Phú chết, lúc này ông Bình mới 14 tuổi. Theo quy định, đến khi ông Bình đủ 18 tuổi, vợ chồng ông bà Nhê phải có trách nhiệm công bố tờ di chúc trên cho ông Bình biết.
Theo đó, bà Nhê và ông Lê phải có trách nhiệm công bố di chúc vào năm 1986 chứ không phải là năm 2001. Thế nhưng, trong suốt gần 15 năm, kể từ khi ông Bình trưởng thành, ông Bình hoàn toàn không được biết về tờ di chúc. Do vậy, bài báo có tựa đề: “Tờ di chúc bị che giấu…:” là hoàn toàn chính xác và phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của ông Bình, đến năm 2012, ông mới biết nội dung bản di chúc như thế nào do người mua đất của bà Ngọc phô tô một bản đưa cho. Và đến ngày 24/9/2018, ông Bình mới chính thức được cầm trên tay bản di chúc gốc (có chụp ảnh lại) trước sự chứng kiến của Thẩm phán Nguyễn Văn Thành tại phiên tòa phúc thẩm.