Khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nhưng do toàn bộ khu đất đã bị Nhà nước thu hồi nên việc hoàn trả đất cho nguyên đơn là không thực hiện được vì nguyên đơn không còn bất cứ quyền và nghĩa vụ nào với khu đất đó.
Chưa kể, nguyên đơn lại là bên có lỗi đã vi phạm hợp đồng. Vì thế, việc tranh chấp của nguyên đơn đơn có lẽ chỉ thuần túy là tranh cãi về tính chất pháp lý của hợp đồng mà không thể giải quyết được hậu quả!?
Những rắc rối pháp lý...
Năm 2004, HTX Bình Vinh ký hợp đồng cho Cty Văn Đỗ thuê 500 m2 sân bê tông (địa điểm tại TP Vinh, Nghệ An) để kinh doanh. Tuy nhiên, nhận thấy hợp đồng cho thuê đất là trái pháp luật nên hai bên đã tự động thỏa thuận chấm dứt. Ngay sau đó, cũng trong năm 2004 HTX Bình Vinh giao khoán phần diện tích mặt bằng này cho xã viên Nguyễn Văn Đỗ, Nguyễn Văn Quang (trong đó ông Đỗ đồng thời là Giám đốc Cty Văn Đỗ).
Sau khi ký hợp đồng giao khoán với HTX, ông Đỗ, ông Quang hợp tác kinh doanh với Cty Văn Đỗ để cùng khai thác hiệu quả mặt bằng trên. Đến năm 2007, HTX Bình Vinh tiếp tục giao khoán cho ông Đỗ, ông Quang thêm phần diện tích trên 925 m2 mặt bằng và các xã viên này ký tiếp hợp đồng với Cty Văn Đỗ.
Mặc dù phía ông Đỗ, ông Quang và Cty Văn Đỗ đã đầu tư sản xuất và việc kinh doanh đang hiệu quả thì đột ngột xảy ra sự việc HTX Bình Vinh tự nguyện trả lại toàn bộ “khu đất vàng” cho Nhà nước. Ngày 2/7/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định 199 thu hồi toàn bộ diện tích đất trên.
Như vậy, khu đất tranh chấp giữa HTX Bình Vinh và Cty Văn Đỗ đã do Nhà nước quản lý sử dụng vì đất đã bị thu hồi. Lẽ ra sau khi có quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh Nghệ An sẽ phải định giá các tài sản trên đất để bồi thường theo quy định của Nhà nước. Sau đó làm thủ tục đấu giá theo quy định tại điều 58 Luật Đất đai, điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ và Quyết định 216/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Mặc dù đất thì đã bị Nhà nước thu hồi, nhưng sau đó HTX Bình Vinh vẫn đứng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy các hợp đồng đã ký với ông Đỗ, ông Quang và đề nghị hủy cả hợp đồng đã ký với Cty Văn Đỗ (dù hai bên đã thỏa chấm dứt hợp đồng này trước thời hạn từ năm 2004).
Tại phiên sơ thẩm của vòng tố tụng thứ nhất, mặc dù còn quá nhiều khuất tất nhưng TAND tỉnh Nghệ An vẫn xử cho HTX Bình Vinh thắng kiện. Bản án trên đã bị TANDTC xử hủy, trả hồ sơ vụ án về xét xử lại từ đầu. Tại vòng tố tụng lần 2, HTX Bình Vinh thay đổi yêu cầu khởi kiện từ tuyên hủy hợp đồng sang đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. Dự kiến, ngày 20/8 tới đây TAND tỉnh Nghệ An sẽ xử sơ thẩm lại vụ án.
Cần sớm đấu giá để tránh lãng phí
Vụ tranh chấp giữa nguyên đơn HTX Bình Vinh với Cty Văn Đỗ kéo dài hơn hai năm, đã sang đến vòng tố tụng thứ hai. Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù nguyên đơn yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng phiên tòa sơ thẩm tới đây sẽ chỉ giải quyết tranh chấp về tính pháp lý của các bản hợp đồng chứ không giải quyết việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu- dù hợp đồng có bị tuyên vô hiệu.
Nguyên nhân do đất đã được Nhà nước thu hồi nên HTX Bình Vinh không có cơ sở đòi lại đất, kể cả khi hợp đồng được tuyên vô hiệu thì cũng không thể tuyên trả lại đất cho HTX Bình Vinh như hiện trạng ban đầu. Đấy là chưa kể, hợp đồng giao khoán giữa hai bên ký kết có hiệu lực đến năm 2026 nhưng HTX Bình Vinh đã đơn phương chấm dứt giữa chừng bằng việc trả lại mặt bằng đã cho thuê cho Nhà nước là vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên nhận khoán; vậy nguyên đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Như trên đã phân tích vì đất đã được thu hồi nên UBND tỉnh Nghệ An cần sớm tiến hành bán đấu giá theo quy định của pháp luật để tránh lãng phí mà không cần thiết phải chờ đợi kết quả xét xử của Tòa án. Khi khu đất trên được tổ chức đấu giá, thì Công ty Văn Đỗ cũng sẽ tham gia đấu giá và hoàn toàn có khả năng được trúng đấu giá.
Do vậy việc tổ chức đấu giá trước khi cưỡng chế bàn giao mặt bằng là giải pháp tốt nhất để dung hòa lợi ích giữa các bên. Vì nếu buộc Cty Văn Đỗ phải bàn giao trả lại mặt bằng trước khi tổ chức đấu giá, mà sau này Công ty Văn Đỗ lại được trúng đấu giá thì sẽ thiệt hại lớn cho Cty này.
Từ các lẽ trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Nghệ An cần chủ động có phương án giải quyết kịp thời theo hướng tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng khu đất. Riêng với phần bồi thường trên đất nên chờ kết quả xét xử của tòa án, tòa xác định tài sản của bên nào thì bên đó nhận bồi thường.
Bên cạnh đó, Tòa án nên vận động các bên hòa giải thỏa thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả các bản hợp đồng bị đơn phương chấm dứt giữa chừng. Làm như vậy không chỉ tránh lãng phí tài nguyên khu đất vàng mà còn dung hòa lợi ích giữa các bên và quan trọng là đúng pháp luật.
Bảo Trâm