Quá trình giải quyết khiếu nại của Thanh Yến còn có dấu hiệu Dĩ An đã vi phạm pháp luật khiếu nại.
Văn bản “giải quyết khiếu nại” của Hội đồng Bồi thường bị đánh giá là lạm quyền, không có giá trị pháp lý. |
Giải quyết khiếu nại sai thẩm quyền
Ngày 26/3/2018, UBND Dĩ An ra Quyết định 778/QĐ-UBND thu hồi 6.802m2 đất của Thanh Yến để thực hiện dự án đường Mỹ Phước –Tân Vạn nối dài. Ngày 2/4/2018 UBND Dĩ An ra quyết định 926/QĐ-UBND công bố bồi thường, phủ nhận nguồn gốc đất trên là Thanh Yến mua từ dân; quyết định không bồi thường về đất.
Ngày 29/6/2018, Thanh Yến có văn bản phản đối, nêu rõ để có được đất này, đã bỏ tiền mua đất từ dân, mất nhiều chi phí đầu tư san lấp.
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) giải thích: “Văn bản Thanh Yến gửi UBND TP Dĩ An, dù không ghi là “Đơn khiếu nại” nhưng thực chất có phải đơn khiếu nại hay không? Thứ nhất, Điều 8 Luật Khiếu nại không buộc văn bản phải ghi là “Đơn khiếu nại”, và văn bản này đã được Dĩ An thụ lý.
Thứ hai, về mặt nội dung, theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại, “khiếu nại là đề nghị xem xét lại quyết định hành chính trái luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Nội dung văn bản của Thanh Yến đòi giải quyết sự việc không được bồi thường, nên văn bản của Thanh Yến chính là đơn khiếu nại”.
Tới đây, vi phạm của Dĩ An diễn ra. Đơn của Thanh Yến khiếu nại các vấn đề tại các quyết định do Chủ tịch Dĩ An ban hành. Thẩm quyền trả lời, giải quyết khiếu nại này thuộc về Chủ tịch Dĩ An. Thế nhưng “Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài” lại có văn bản “giải quyết” ngày 19/7/2018, không đồng ý bồi thường đất.
Thanh Yến tiếp tục có văn bản khiếu nại ngày 14/5/2019. Ngày 1/7/2019, “Hội đồng Bồi thường” tiếp tục lạm quyền Chủ tịch Dĩ An, vẫn lập luận như trả lời ngày 19/7/2018.
“Theo Luật Khiếu nại, những văn bản của Hội đồng Bồi thường là không có giá trị pháp lý. Cho nên, đến nay, UBND TP Dĩ An vẫn chưa giải quyết khiếu nại cho Thanh Yến. Không thể nói sự việc này đã hết thời hạn khiếu nại”, LS Thanh nói.
Hình ảnh Thanh Yến cung cấp, cho rằng Công an phường Bình Thắng sau khi còng tay ông Đức bắt đi và thả về, rồi quay lại đòi “bắt” tiếp vào ngày 11/6/2021. |
Hai lần bắt người của Thanh Yến đưa về phường
Ngày 1/12/2020, khi đoàn cưỡng chế đến, đúng thời điểm bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Cty bị bệnh, nhập viện cấp cứu. Bà Lương gọi điện về đề nghị đoàn tạm dừng cưỡng chế, chờ vài ngày bà xuất viện sẽ bàn giao mặt bằng, chỉ mốc, ranh giới rõ ràng. Thỉnh cầu này không được chấp nhận.
Ông Hà Đăng Ước (SN 1983, nhân viên Thanh Yến) kể, do hiếu kỳ, ông và một nhân viên khác dùng điện thoại quay lại sự việc, bị đưa lên xe về Công an phường Bình Thắng. Tại đây, công an phường yêu cầu ông làm tờ khai báo danh tính, tên cha mẹ, quê quán, thường trú, quá trình sinh sống, làm việc và buộc cung cấp mật khẩu điện thoại, xóa nhiều dữ liệu. Ông Ước nói bị giữ tại trụ sở công an phường từ 10h đến 13h mới được cho về.
Sáng 11/6/2021, ông Trần Công Đức (SN 1978, cán bộ Cty, con bà Lương) phát hiện nhóm người dùng máy múc, cào hàng rào ranh giới giữa dự án Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài và đất Cty nên ra xem.
“Họ có khoảng dưới 10 người, mặc áo quần văn phòng hoặc đồ công nhân, gỡ hàng rào B40 và dùng máy cuốc trụ sắt hàng rào Cty lên. Tôi hỏi họ là ai, tại sao lại đập phá tài sản Cty. Tôi giải thích đây là hàng rào ranh giới, là tài sản Cty, họ không có quyền xâm phạm; thì họ im lặng. Tôi bức xúc, cầm một viên đá ném bâng quơ. Họ bỏ đi”.
“Một lát sau, tôi nghe ồn ào nên đi ra xem chuyện gì. Bất ngờ có bốn người, trong đó có công an, không nói gì, không giới thiệu là ai, xông vào giật cánh khuỷu bắt tôi, còng tay quặt ra sau lưng đưa về trụ sở công an phường”.
“Về tới trụ sở, tôi không được giải thích gì mà bị khám xét người thô bạo, bị lấy hết đồ bỏ lên bàn. Tôi còn bị chửi bới lăng mạ “mày là cái gì mà ra cản trở người thi hành công vụ”, dù tôi đã hết lời giải thích tôi không biết những người lái máy xúc là ai, giải thích tôi chỉ ngăn cản những người lạ mặt đến phá hoại tài sản Cty tôi chứ không chống người thi hành công vụ. Công an phường còn bắt tôi mở điện thoại ra để kiểm tra nhưng tôi không chấp nhận. Sau đó họ ghi biên bản, đưa tôi đọc. Do chữ xấu quá, tôi không đọc được, không rõ nội dung gì nên không ký. Họ giữ tôi đến 13h, khi mẹ tôi lên chất vấn, mới cho tôi về”, ông Đức kể.
Bà Lương thuật lại, nghe tin con bị bắt, bà lật đật từ xa chạy về Công an phường Bình Thắng, quyết liệt yêu cầu giải thích sự việc. “Tôi vô cùng bức xúc vì Cty chúng tôi đã bị thiệt thòi đủ đường, nay địa phương lại còn còng tay con tôi như tội phạm, là hành vi quá coi thường nhân phẩm danh dự người khác, vi phạm pháp luật”, bà Lương nói.
Tới lúc này, mẹ con bà mới được cho ra về. “Bất ngờ vừa về đến Cty, lại có một số công an tìm đến, đòi Đức trở lại phường. Tôi nhất quyết phản đối, họ mới ra về”, bà Lương nói.
Cơ quan chức năng Dĩ An và Bình Dương giải thích ra sao về những sự việc này? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.
Con đường rộng bao nhiêu mét?
Theo Quyết định 721a/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài; thì con đường chỉ rộng 31,5m với diện tích đất thu hồi của Thanh Yến là 6.802m2. Thế nhưng theo Thanh Yến, thực tế Dĩ An đã thu hồi “lố” của Cty này, khi tuyến đường đi qua đất của Thanh Yến “phình” lên thành 33-34m.