Tìm mọi cách giảm thiểu bất lợi kinh tế
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6, trong đó, thặng dư thương mại sang Nga khoảng 1 tỷ USD (theo số liệu năm 2021).
Do đó, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (trong đó có Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… trong thời gian tới.
Chưa kể, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá. Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường Âu - Mỹ, hiện nay còn quá sớm để có thể đánh giá những tác động trung và dài hạn trong căng thẳng Nga - Ukraine đến quan hệ thương mại với Việt Nam do nhiều khả năng các biện pháp cấm vận sẽ còn được mở rộng, đặc biệt cần phải xem xét đến phản ứng của Chính phủ Nga với các lệnh trừng phạt nêu trên.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã theo dõi sát sao căng thẳng giữa Nga - Ukraine ngay từ đầu năm. Tháng 1/2022, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng của cuộc xung đột, các rủi ro trong trường hợp một số nước tăng cường lệnh cấm vận với Nga, đưa ra một số đánh giá về tác động có thể có đối với hoạt động kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và 2 quốc gia, đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu.
Nếu gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu nên liên hệ với Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine để được hỗ trợ |
Doanh nghiệp cần “co lại”, nghe ngóng diễn biến
Bộ Công Thương cho biết thêm, Bộ đã có văn bản khuyến nghị các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới như áp dụng các phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán, đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận, trước khi giao kết hợp đồng.
Khi Nga bị “ngắt” kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng sử dụng đồng USD là đồng thanh toán. Ngoài ra, tỷ giá đồng Rub biến động, mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đã đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.
Châu Âu cũng đã công bố danh sách 7 ngân hàng bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT và lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3. Theo dự báo, tùy mức độ nghiêm trọng của tình hình, có thể bổ sung các ngân hàng khác vào danh sách.
Do đó, Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý, đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng… để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi (tránh thanh toán qua các ngân hàng bị trừng phạt). Đồng thời, cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.
“Cần hết sức lưu ý trong công tác xuất nhập khẩu để tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, đặc biệt là vướng vào các vụ việc lẩn tránh các biện pháp hạn chế thương mại. Nếu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nên chủ động liên hệ với bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine để được hỗ trợ, tìm phương hướng tháo gỡ”, lãnh đạo Vụ Thị trường Âu Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nga bước đầu cũng đã thông báo những hướng đi phù hợp với tình hình. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn trước mắt doanh nghiệp cần “co lại”, bảo toàn vốn, quan sát diễn biến tình hình để đưa ra phương thức xử lý phù hợp. Hoặc nên kinh doanh bằng đồng Rub, hạn chế sử dụng ngoại tệ để tránh biến động tỷ giá, áp dụng các phương thức thanh toán bù trừ bằng đồng Rub hay đổi hàng với Nga để hạn chế việc chuyển tiền qua ngân hàng.