Ngày 26/1, phiên xét xử Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà, em trai của ông Đinh La Thăng) và 6 đồng phạm về tội Tham ô tài sản bước sang ngày làm việc thứ 3 với phần trình bày nội dung bào chữa của các luật sư.
Trước đó, đại diện VKSND đã nêu quan điểm luận tội, đề nghị mức án với 8 bị cáo. Theo đó, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân, Đinh Mạnh Thắng bị đề nghị mức án 11-12 năm tù về tội tham ô. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án thấp nhất 8 năm tù, cao nhất 18 năm cùng về tội danh trên. Bởi theo đại diện VKS, tháng 3/2010, sau khi gặp Đinh Mạnh Thắng và Thái Kiều Hương, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo giá bán 40 triệu đồng/m2 nhưng chỉ thể hiện trên hợp đồng là 34 triệu đồng.
Sau đó, Thanh ký nghị quyết chấp thuận phương án bán đất với giá 34 triệu đồng. Hậu phi vụ trên, Thanh đã nhận 14 tỷ đồng. Số tiền này theo cáo trạng là tiền Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng, phân tích, dòng tiền này được điều khiển đến tay bị cáo Thắng để chuyển sang Trịnh Xuân Thanh xuất phát từ bị cáo Hương. Thế nhưng lời khai của bị cáo Thắng rất mâu thuẫn. Trước kia Thắng khai tiền chuyển cho bị cáo Thanh để ở thùng giấy, Thắng mang tới văn phòng cho Thanh, sau đó lại thay đổi lời khai, cho rằng 2 thùng giấy đựng tiền được ông ta cho vào vali, đưa cho lái xe của mình chuyển tới cho Thanh.
Khi bị cáo Hương nói với Thắng yêu cầu để đưa lại tiền, Thắng đã nói hoàn trả số tiền nguyên đai nguyên kiện. Luật sư cho rằng số tiền rất nhiều, Đinh Mạnh Thắng không thể mang chuyển cho bị cáo Thanh bởi số tiền ở đây là rất lớn, nặng khoảng 80 kg, đột nhiên bị cáo Thắng lại nhớ ra chuyện đưa tiền vào vali kéo – sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên. Do đó, luật sư đặt nghi ngờ có sự cấu kết giữa Hương và Thắng để chiếm hưởng riêng số tiền này?
Cũng trong phần này, luật sư đề nghị thực nghiệm điều tra tại tòa việc bỏ số tiền 14 tỷ đồng vào vali vì việc này không quá phức tạp, có thể mượn tiền, vali, thùng giấy để tiến hành thực nghiệm ngay tại tòa. Bởi theo luật sư, không có bất kể chứng cứ nào chứng minh bị cáo Thanh nhận 14 tỷ đồng, và trên thực tế, Thanh không thể nhận được số tiền này.
“Đề nghị HĐXX cân nhắc và tuyên bị cáo Thanh vô tội”, luật sư Hùng nói. Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là luật sư Thu Hằng. Theo lời nữ luật sư, việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã thực hiện đúng điều lệ của PVP Land, Trịnh Xuân Thanh không liên quan tới việc chuyển nhượng này. Bởi theo nữ luật sư, tại Cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên TGĐ PVP Land) – người trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land với giá 34 triệu đồng/m2 là do lãnh đạo PVP Land quyết định.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng cho rằng VKS dựa vào các văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch HĐQT PVC về việc đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land (trên các văn bản này không thể hiện giá chuyển nhượng là 52 triệu đồng/m2) để quy kết bị cáo Thanh liên quan đến quyết định chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu, thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau chiếm đoạt tiền chênh lệch (trong đó, bị cáo Thanh bị cáo buộc nhận 14 tỷ đồng) là không có căn cứ. Do đó, nữ luật sư đề nghị HĐXX tuyên Trịnh Xuân Thanh không phạm tội Tham ô tài sản.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh |
Trước đó, trong phần tự bào chữa, Trịnh Xuân Thanh cho rằng hành động trả lại tiền của ông ta cách đây 8 năm nhẽ ra nếu không được tuyên dương thì cũng nên khuyến khích, vì đã trả lại số tiền đã nhận mà không ai biết. “Thế mà bị cáo lại bị biến thành người đứng đầu vụ án tham ô, bị đề nghị án chung thân. Không hiểu sự việc như thế nào”, Trịnh Xuân Thanh nói.
Bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng có sự không cụ thể hóa hành vi khi VKS cho rằng bị cáo Thắng là người kết nối, giúp sức cho Thái Kiều Hương gặp Trịnh Xuân Thanh để bàn chuyện thoái vốn. Theo phân tích của luật sư Thiệp, chủ trương thoái vốn có từ trước năm 2010, khi gặp mặt, Trịnh Xuân Thanh nói đã có chủ trương. Nội dung cho thoái vốn không hề vi phạm pháp luật và VKS cũng không truy cứu hành vi và chủ trương thoái vốn. Và theo ông Thiệp, vi phạm bắt đầu phát sinh trong quá trình thoái vốn như nâng giá, hạ giá và không có tài liệu nào thể hiện bị cáo Thắng biết điều này, bị cáo không biết sự thương lượng về giá cả, thủ tục…
Bên cạnh đó, ngoài việc hẹn Trịnh Xuân Thanh đến ăn cơm tại nhà hàng, giúp Thái Kiều Hương gặp được Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Thắng không có hành vi nào khác. Trong cuộc gặp đó, không có căn cứ chứng minh bị cáo Thắng có sự bàn bạc liên quan đến việc thoái vốn. Vì vậy, bị cáo Thắng không thực hiện bất kỳ việc gì liên quan tới hành vi phạm tội như VKS đã quy kết. Từ những căn cứ nêu trên, vị luật sư nêu rõ bị cáo Thắng không hề chung ý chí trong việc tạo ra chênh giá, sử dụng và chiếm đoạt số tiền chênh giá… Do đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Thắng không đồng phạm và không phạm tội Tham ô tài sản.