Đi 8 km phải trả 1,2 triệu đồng
Trước đó, vào khoảng 18g15 ngày 25/8, một vị khách người Ấn Độ bắt xe taxi đi từ sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất tới địa chỉ 68A Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Lái xe đã yêu cầu khách hàng trả số tiền 1,2 triệu đồng cho quãng đường nói trên (khoảng 8 km). Lái xe đã cung cấp biên lai thu tiền có logo giống logo của Mai Linh cho khách hàng.
Sau đó, qua kiểm tra, trích xuất camera từ sân bay Tân Sơn Nhất và đối chiếu các thông tin do khách hàng phản ánh, đại diện của Tập đoàn Mai Linh cho hay, xe taxi mang biển số 51 H001.71 số tài 985, lái xe tên Nguyễn Quốc Đạt chở vị khách người Ấn Độ từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn Oscar, đường Nguyễn Huệ, quận 1 không phải là xe taxi của hãng.
Cũng theo đại diện hãng taxi này, lái xe đã dùng phiếu thu tiền nhái logo Mai Linh, còn địa chỉ, số hotline của Mai Linh đều là giả mạo.
Được biết, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã mời lái xe Nguyễn Quốc Đạt làm việc. Đáng chú ý, tại bản tường trình, lái xe này thừa nhận có chở vị khách nói trên nhưng chỉ nhận 150 ngàn đồng tiền cước chứ không nhận 1,2 triệu đồng như phản ánh.
Tuy nhiên, chiều ngày 26/8, chị H.T (đại diện của vị khách Ấn Độ) cho biết, một phụ nữ tự xưng là người đại diện của Mai Linh đã đến khách sạn Oscar trả lại tiền cho khách. Liên quan đến các chi tiết này, đại diện Tập đoàn Mai Linh khẳng định: lái xe trên không phải là nhân viên của Mai Linh và Mai Linh không cử đại diện đến gặp chị T để trả lại tiền và xin lỗi khách hàng.
Trao đổi với Báo PLVN, đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết: Hiện Tập đoàn này đã thu thập thông tin, hình ảnh, chứng từ liên quan và đang hoàn tất hồ sơ chuyển một số cơ quan chức năng như: Thanh tra Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh, Cụm cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh và Đội cảnh sát Giao thông Tân Sơn Nhất (PB08) xem xét xử lý việc giả mạo nêu trên gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của thương hiệu Mai Linh.
Có xử lý hình sự được không?
Theo đánh giá của Tập đoàn Mai Linh, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, sự việc này đã gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, an ninh trật tự xã hôi và ảnh hưởng đến hình ảnh “môi trường” du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nói trên thì sẽ dẫn đến làm “méo mó” hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi Tập đoàn Mai Linh cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Số tiền có dấu hiệu bị chiếm đoạt tuy chỉ là 1,2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn đủ điều kiện cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo PLVN, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại có quan điểm hoàn toàn khác. Theo Luật sư Từ, dựa trên các thông tin mà phương tiện truyền thông chính thống nêu ra, nếu không có các tình tiết mới, khác hơn thay đổi bản chất vụ việc thì hành vi của lái xe taxi Nguyễn Quốc Đạt ngày 25/8/2019 không phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, không bị xử lý về mặt hình sự.
Tuy nhiên, cũng theo vị Luật sư Từ, chủ nhãn hiệu “taxi Mai Linh” có quyền làm các biện pháp theo quy định pháp luật để bảo vệ nhãn hiệu “taxi Mai Linh”. “Hiện nay, vấn nạn sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn đã diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, đặc biệt có chiều hướng gia tăng trong thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Vì thế, chủ sở hữu nhãn hiệu cần quyết liệt hơn trong việc bảo vệ nhãn hiệu của mình, đó cũng là cách thể hiện sự am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ và giữ ưu thế cạnh tranh trong kinh doanh.”- Luật sư Từ nêu quan điểm.