Trong vài ngày sau đó đã có hơn 80 người khác nữa bị thiệt mạng bởi tình trạng hỗn loạn và bạo lực ấy. Cảnh sát không có được bất cứ manh mối nào về thủ phạm. Chừng nào chưa điều tra ra thủ phạm và chưa biết được động cơ gây án của thủ phạm thì chừng ấy chưa thể xác định được bản chất thực thụ của vụ ám sát ca sỹ này.
Cũng vì vậy mà thuyết âm mưu thắng thế và thuyết này cho rằng vụ ám sát người ca sỹ kia không phải là một vụ án hình sự mà là một vụ giết người vì mục đích chính trị. Nguyên do ở chỗ Hachalu Hundessa không phải là một ca sỹ như những ca sỹ khác ở đất nước này mà là thần tượng và người hùng của dân tộc Oromo ở Ethiopia.
Ở đất nước châu Phi này có 4 dân tộc chính là dân tộc Tigre (chiếm 6% dân số), dân tộc Oromo (chiếm 34% dân số), dân tộc Amhara (chiếm 27% dân số) và dân tộc Somali (chiếm 6% dân số). Tuy chỉ chiếm có 6% dân số, dân tộc Tigre lại đóng vai trò quyết định nhất về quyền lực chính trị ở Ethiopia, khiến cho những dân tộc khác cảm nhận không được bình đẳng, thậm chí còn bị cả chèn ép nữa.
Ca sĩ Hachalu Hundessa là một nhà hoạt động chính trị ở Ethiopia. |
Thủ tướng Ethiopia Abyi Ahmed, cách đây gần 2 năm được trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình, thuộc dân tộc Oromo, theo đuổi chủ trương thống nhất và hoà hợp tất cả các dân tộc trên đất nước này chứ không tiếp tục mô hình tổ chức nhà nước liên bang như lâu nay với quyền tự trị nhất định dành cho các dân tộc. Vì thế, vị thủ tướng này bị người Oromo coi là phản bội chính dân tộc của mình. Người Oromo cảm nhận bị phân biệt đối xử và thua thiệt từ nhiều thế kỷ nay ở Ethiopia mặc dù là cộng đồng sắc tộc đông đảo nhất.
Chủ nghĩa dân tộc vì thế thâm căn cố đế ở dân tộc này và cũng từ nhiều thế kỷ nay, người Oromo đấu tranh với chính quyền trung ương đòi quyền tự trị với mức độ tương xứng với vai trò và ảnh hưởng của họ, thậm chí còn theo đuổi cả mục tiêu trở thành quốc gia độc lập riêng. Hachalu Hundessa sinh ra trong một gia đình nông dân ở cách thủ đô Addis Abeba khoảng 100 km. Người cha muốn con trở thành bác sỹ.
Nhưng ở độ tuổi mới có 17, anh chàng này đã bị bắt giam do tham gia các hoạt động biểu tình chống chính phủ. Ở trong tù, Hachalu Hundessa học làm thơ, ghép vần và sáng tác nhạc. Trong thời gian ngồi tù 5 năm, Hachalu Hundessa sáng tác những bài hát với giai điệu và ngôn từ pha trộn lãng mạn với khát vọng tự do cho dân tộc của mình.
Năm 2008, Hachalu Hundessa ra tù và rất nhanh chóng trở thành ca sỹ nổi tiếng ở Ethiopia, trở thành thần tượng của người Oromo. Những bài hát của Hundessa được người Oromo tiếp nhận như sự khích lệ kiên định ý chí đấu tranh vì quyền tự trị và tự do.
Cho nên câu hỏi được đặt ra ngay sau khi người ca sỹ bị ám sát là hình sự hay chính trị ở vụ việc này. Khả năng nào cũng đều có thể đã xảy ra. Nhưng chừng nào thủ phạm chưa lộ diện thì án chính trị được tin nhiều hơn là án hình sự và phía chính phủ sẽ càng thêm khó xử. Không truy lùng ra thủ phạm, phía cơ quan công quyền bị mất uy tín trong dân và sa lầy dài dài trong tình trạng lý dẫu có ngay thì tình vẫn gian. Ethiopia hiện có kỳ án mới nhất.