Thông tin đến PV, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, nội dung đơn thư công dân phản ánh thuộc thẩm quyền BQLHTKT&NN giải quyết. Vì đơn vị trên đã hoạt động theo cơ chế tự chủ, các trường hợp hợp đồng 68 thuộc thẩm quyền của Giám đốc BQLHTKT&NN.
Trước đó, nữ bạn đọc SN 1976 có đơn phản ánh đến Báo PLVN cho rằng đã vào làm việc tại BQLDA công trình giao thông công chính thành phố Hà Nội (Ban Giao thông công chính) từ 1997 và công tác liên tục, thuộc diện không phải ký mới các HĐLĐ hàng năm, được tăng lương, chuyển ngạch theo quyết định xếp lương.
Từ 2008 - 2016, trên cơ sở chuyển đổi Ban Giao thông công chính thành BQLDA thoát nước Hà Nội (BQLDA thoát nước), bà vẫn thuộc diện biên chế, không phải ký mới các HĐLĐ, được tăng lương, chuyển ngạch theo quyết định xếp lương.
Năm 2017, trên cơ sở chuyển đổi BQLDA thoát nước thành BQLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội (Ban cấp thoát nước), bà vẫn thuộc diện biên chế. Giai đoạn này bà cũng được tăng lương và chuyển ngạch theo các quyết định xếp lương.
Đến 2022, trên cơ sở chuyển đổi Ban cấp thoát nước và BQLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn, thành BQLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật & nông nghiệp Hà Nội (BQLHTKT&NN), bà phải ký HĐLĐ thời hạn 12 tháng và công tác tại Phòng QLDA hạ tầng cấp thoát nước. Bà cho rằng việc thực hiện ký HĐLĐ này là không đúng theo chỉ đạo của UBND TP và quy định pháp luật.
Bà cho rằng, theo Quyết định thành lập BQLHTKT&NN số 1273/QĐUBND ngày 14/4/2022 của UBND TP, yêu cầu BQLHTKT&NN tổ chức tiếp nhận nguyên trạng, toàn bộ tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, trang thiết bị, hồ sơ tài liệu, dự án, đội ngũ viên chức, nhân viên, người lao động hợp đồng và các vấn đề liên quan khác của 2 đơn vị hợp nhất để quản lý theo đúng quy định.
Cũng tại Quyết định trên, biên chế giao BQLHTKT&NN năm 2022 là 203 biên chế, trong đó 183 viên chức và 20 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, là tổng số biên chế đã giao 2 đơn vị trước khi hợp nhất.
Bà cho rằng thuộc nhân sự biên chế theo Nghị định 68, nên việc yêu cầu bà ký HĐLĐ 12 tháng là không đúng. Ngày 10/01/2023, BQLHTKT&NN có Thông báo 04/TB-BQLHTKT&NN về việc rà soát vị trí việc làm của cán bộ viên chức, người lao động (CBVC,NLĐ), xác định CBVC,NLĐ dôi dư thuộc tinh giản biên chế, trong đó khuyến khích CBVC,NLĐ có nguyện vọng làm đơn đề nghị nghỉ tinh giản biên chế nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định.
Bạn đọc cho rằng, trên cơ sở thông báo và các quy định của pháp luật, bà đã công tác 26 năm, hiện việc bố trí việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo; đồng thời cơ cấu tổ chức của nhân sự của BQLHTKT&NN cũng khó có thể bố trí việc làm khác phù hợp, nên đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ tinh giản biên chế vào các ngày 2/3/2023, 10/4/2023 và 17/4/2023.
“Trong thời gian chờ xem xét nghỉ theo diện tinh giản biên chế, ngày 17/4 tôi làm đơn xin nghỉ không hưởng lương để chăm sóc mẹ bị bệnh đột xuất, bố tôi tuổi cao sức yếu. Đến ngày 7/5, tôi mới nhận được thông báo cho nghỉ không lương của BQLHTKT&NN. Mặc dù hoàn cảnh gia đình neo người, khó khăn nhưng tôi cũng đã cố gắng đi làm đến ngày có thông báo”.
“Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ không hưởng lương theo thông báo của BQLHTKT&NN, ngày 22/5/2023, tôi nhận được thông báo không tái ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm sau khi hết hạn vào ngày 31/5/2023. Tôi cho rằng BQLHTKT&NN đã vi phạm quy định khi ký HĐLĐ có thời hạn 12 tháng không chỉ với riêng tôi mà với nhiều người khác, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, không xem xét cho tôi nghỉ chế độ tinh giản biên chế, là vi phạm quy định”, bạn đọc nêu trong đơn.
Để làm rõ phản ánh của bạn đọc, Báo PLVN đã có Công văn 1470/CV/PLVN-BBĐ ngày 27/11/2023 gửi UBND Hà Nội. Đến nay PLVN chưa nhận được thông tin phản hồi.
Ngày 16/1/2024, PV cũng đã đến liên hệ công tác tại BQLHTKT&NN, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lịch làm việc của đơn vị này.
Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định các trường hợp tinh giản biên chế, theo khoản 2 Điều 6: Người làm việc theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.