Hồn nhiên phát rừng "kiếm đất cho con"
Theo kết quả điều tra, khoảng cuối tháng 3/2017, Phùng Văn Bảy (SN 1978), trú thôn 9, xã Tiên Lãnh đến khu vực Dội Lớn, suối Nà Cau thuộc khoảnh 5, khoảnh 6-Tiểu khu 556, nằm trong địa phận thôn 8, xã Tiên Lãnh để tìm hái nấm lim xanh về bán.
Tại đây, Bảy nhận thấy một khoảnh rừng lớn chưa có người khai thác nên nảy sinh ý định phát rừng để trồng cây keo. Về nhà, Bảy nói với vợ là Nguyễn Thị Việt (SN 1979): "Trong Nà Cau nớ (kia) nhiều người phá rừng trồng keo rồi, mình vào trong nớ phát kiếm miếng đất trồng keo rồi sau ni (này) thu hoạch, chứ ngoài ni không có đất”.
Vợ Bảy nghe nói vậy trả lời: “Họ có tiền họ làm chứ mình không có tiền mần răng (làm sao) làm”. Đáp lời vợ, Bảy nói: “Mình làm kiếm miếng đất sau này cho con chớ không hắn trách”. Nghe chồng nói "lọt lỗ tai", Việt đồng ý cùng phát rừng trồng keo.
Thực hiện ý định, đầu tháng 4/2017, Bảy và Việt mang thức ăn, nước uống cùng 2 tấm bạt nhựa, dao rựa và một số dụng cụ khác đến khu vực Dội Lớn dựng một lán trại rồi phát rong cây rừng trong suốt 45 ngày.
Sau khi phát dọn được một diện tích rừng khá lớn, Bảy đi TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) mua một chiếc cưa máy (chạy bằng động cơ xăng) để cắt hạ các cây gỗ to rồi để cho cây khô tự nhiên trong khoảng 30 ngày. Cuối tháng 6/2017, vợ chồng Bảy đến khu vực Dội Lớn đốt cháy diện tích rừng đã chặt phá. Sau đó, Bảy mua 5kg hạt keo đem về cùng vợ trỉa trên khoảnh rừng này.
Khoảng 1 tháng sau, Bảy vào khu vực đã trỉa keo kiểm tra thì thấy cây keo mọc không đều và có nhiều cỏ, dây leo phát triển che lấp cây keo con. Về nhà, Bảy ngược lên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tìm thuê người đến dọn cỏ và trỉa dặm keo.
Tại đây, Bảy được người dân giới thiệu Đinh Thị Hoa (ngụ thôn 2, xã Trà Ka, Bắc Trà My) là người chuyên đi làm thuê. Bảy tìm gặp Hoa và thuê Hoa đến dọn cỏ, trỉa dặm keo cho mình. Thông qua Hoa, Bảy thuê thêm 6 nhân công khác với giá tiền công mỗi người là 160 ngàn đồng/ngày.
Sáng ngày 13/8/2017, vợ chồng Bảy cùng những người đã thuê vào khu vực đã trỉa keo trước đó để phát rong cây cỏ, dây leo và trỉa dặm hạt keo. Sáng hôm sau, Bảy tiếp tục thuê thêm Nguyễn Thị Đào (SN 1980, trú tại thôn 9, Tiên Lãnh) cùng làm.
Chiều ngày 17/8/2017, trong lúc vợ chồng Bảy đi về nhà mua thêm lương thực, nhóm người làm đang trỉa dặm hạt keo thì bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản. Ngày 25/9/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Phước ra quyết định khởi tố bị can đối với Phùng Văn Bảy về tội "Hủy hoại rừng". Tiếp đến, ngày 15/11/2017, Nguyễn Thị Việt-vợ Bảy cũng bị khởi tố về tội danh trên.
Rừng bị hủy hoại vì có chủ cũng như không
Kết quả điều tra cho thấy, tổng diện tích rừng bị hủy hoại tại các khoảnh 5, 6-Tiểu khu 556 là 167.188m2, tổng trữ lượng gỗ (cây đứng) bị thiệt hại là 1.124,646m3, tổng trữ lượng gỗ thương phẩm là 674,788m3.
Trong đó, diện tích rừng mà vợ chồng Bảy, Việt đã hủy hoại là 36.367,5m2, trữ lượng gỗ bị thiệt hại là 275,883m3, trữ lượng gỗ thương phẩm là 165,530m3, có giá trị thiệt hại thành tiền là 82,549 triệu đồng, giá trị về môi trường là 330,196 triệu đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định có 30.040m2 rừng đã trồng 7.951 cây keo con, có giá trị là 23,853 triệu đồng.
Hành vi của vợ chồng Bảy đã phạm vào tội "Hủy hoại rừng" được quy định tại khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự. Riêng những người được vợ chồng Bảy thuê làm công việc phát dọn cỏ, trỉa dặm keo, họ không biết việc làm sai trái của vợ chồng Bảy nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Diện tích rừng bị vợ chồng Bảy chặt phá, theo xác định của cơ quan CSĐT là loại rừng nghèo, có chức năng phòng hộ, đã được Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước hợp đồng giao khoán cho 14 hộ dân tại xã Tiên Lãnh quản lý và bảo vệ trong thời hạn từ 16/12/2014 đến 31/12/2018.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cả các hộ dân và Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước cũng như Kiểm lâm địa bàn đã không kịp thời phát hiện rừng bị phá và khi phát hiện rừng bị hủy hoại đã không có các biện pháp ngăn chặn nên phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả.
Đối với hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo xã Tiên Lãnh và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh, Cơ quan CSĐT tách thông tin, kết hợp với việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để tiến hành điều tra, xử lý riêng. Đối với diện tích rừng bị hủy hoại chưa xác định được người vi phạm, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tách hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.