Vụ ông Hoàng Xuân Quế bị tố đạo văn: Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đã kháng cáo đúng hạn

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Hoàng Xuân Quế thắng kiện cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vào ngày 14/12/2018
Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Hoàng Xuân Quế thắng kiện cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vào ngày 14/12/2018
(PLVN) - Ngày 24/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế đối với quyết định của cựu Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Vũ Luận. Ngày 4/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo nộp đơn kháng cáo toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội lại cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kháng cáo quá hạn. 

Bộ kháng cáo quá hạn, bản án có hiệu lực ngay lập tức? 

Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa có phiên họp xem xét kháng cáo quá thời hạn của cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận liên quan đến bản án sơ thẩm số 197/2018/HCST của Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế.

Phiên họp có các thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội.

Phía Bộ GD-ĐT có ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, được triệu tập đến phiên họp để giải trình một số nội dung liên quan đến việc kháng cáo quá thời hạn.

Trước đó, ngày 14/12/2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên hủy quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của cựu Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.

Sau khi xem xét giải trình của Bộ GD-ĐT, Toà cấp cao không chấp nhận việc kháng cáo quá thời hạn của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận; Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo quá hạn của cựu Bộ trưởng GD-ĐT; đồng thời, đề nghị bản án sơ thẩm số 197/2018/HCTS ngày 14.12.2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có hiệu lực ngay lập tức.

Theo quy định tại Điều 176 Luật Tố tụng hành chính năm 2010: 

– Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày Toà án tuyên án; trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở, trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức.

– Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

– Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.

– Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do chính đáng

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đơn đề nghị giám đốc thẩm 

Ngay sau khi nhận được Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông cáo báo chí cho biết "rất lấy làm tiếc về quyết định này của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội".

Trong thông cáo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 24/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế, tuyên hủy Quyết định số 4674/QD_BGDDT ngày 11/10/2014 của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Quế.

Nhận thấy bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với bản chất thật của vụ việc, ngày 04/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

"Một lần nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: việc cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn đúng pháp luật. Hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ. Cụ thể, mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang/159 trang; cụ thể: Chương  I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo vệ kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo" - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định. 

Đâu là uẩn khúc trong vụ thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế? 

Để hiểu rõ hơn về những uẩn khúc trong vụ án này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

PV: Trong Thông cáo báo chí ngày 05/4/2019, Bộ nói “rất lấy làm tiếc về Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Xin được làm rõ vấn đề này?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Nói rất lấy làm tiếc vì Tòa án đã không căn cứ bản chất thực của vấn đề là Bộ đã nộp đơn kháng cáo đúng thời gian quy định, đã nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn (thể hiện rõ tại Biên lai do Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cấp).

Suốt 05 năm qua, cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nghiêm túc tham gia tố tụng, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa, cử người đại diện và mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người bị kiện tại phiên tòa.

Trong quá trình tham gia tố tụng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án mà không có căn cứ xác đáng, vi phạm quy định của Luật Tố tụng hành chính. Bộ đã nhiều lần có đơn kháng cáo đối với các quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhưng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều không chấp nhận. Trong khi đó, khi Bộ có sơ suất nhỏ (chưa kịp thời nộp Biên lai thu tạm ứng án phí đúng hạn) thì Tòa lại bác Đơn kháng cáo.

Vô hình trung, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bỏ qua cơ hội xem xét lại vụ việc vốn đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội làm không đúng cả về nội dung và thủ tục như Đơn kháng cáo Bộ đã nêu, làm giảm lòng tin của xã hội vào hoạt động của Tòa án. 

PV: Vậy Bộ vẫn khẳng định việc Bộ thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế là đúng?

 Ông Nguyễn Huy Bằng: Bộ GD&ĐT khẳng định, việc cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã ban hành quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn đúng pháp luật. Bộ GD&ĐT đã căn cứ vào các bằng chứng có tính pháp lý, khách quan để kết luận hành vi vi phạm, thực hiện thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế là đúng pháp luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, pháp chế XHCN, chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo. Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT không thay đổi quan điểm về việc này. Hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ. Bộ đã tiến hành giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Việc Bộ GD&ĐT sử dụng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia để làm căn cứ tiến hành xác minh hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là có đầy đủ căn cứ pháp lý.

Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia “không phải là luận án gốc được lưu giữ tại Bộ GD&ĐT”và “có đến 06 cuốn luận án tiến sĩ được nộp cho Hội đồng xét xử”, “không biết cuốn luận án tiến sĩ gốc là cuốn nào” là hoàn toàn suy diễn và không có căn cứ pháp lý.

Như Đơn kháng cáo ngày 25/12/2018 Bộ đã nêu, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã né tránh vấn đề cốt yếu của vụ án, đó là ông Hoàng Xuân Quế có hay không có hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế? Từ đó Bản án sơ thẩm được ban hành với nhiều nội dung không thuyết phục, thiếu căn cứ pháp lý, gây mập mờ, lẫn lộn về nhiều vấn đề cơ bản.

Hồ sơ, tài liệu do Bộ GD&ĐT đã giao nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm, đã đảm bảo đầy đủ căn cứ để khẳng định ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế. Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, qua đó kết luận mức độ sao chép giữa 02 cuốn luận án là 52,5 trang/ 159 trang (Chương  I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang). Trong các bản giải trình, ông Hoàng Xuân Quế từng thừa nhận có đưa cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế đi đánh máy để tiện tham khảo cho cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế, tuy nhiên thực tế là phần “tham khảo” từ cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế không được ông Hoàng Xuân Quế để trong ngoặc kép, cũng không đưa vào mục Tài liệu tham khảo trong cuốn luận án tiến sĩ của mình.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng: "Đây là vụ việc liên quan tới nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Nếu ông Hoàng Xuân Quế được tuyên vô tội, đây sẽ là một tiền lệ xấu trong lịch sử giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam vì bản án không đúng với bản chất của vụ việc, làm mất lòng tin của đội ngũ giáo viên chân chính và của xã hội vào sự công tâm, khách quan của các cơ quan pháp luật.

Đây cũng không phải quyết định của cá nhân cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, mà đây là quyết định thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, hoàn toàn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo chung của đất nước của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người đại diện cao nhất.

 

Bộ GD&ĐT sử dụng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia là có đầy đủ căn cứ pháp lý, đó là Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, nghiên cứu sinh phải nộp luận án tiến sĩ đã bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước cho Thư viện Quốc gia. Trên thực tế, ông Hoàng Xuân Quế đã nộp cuốn luận án tiến sĩ tại Thư viện Quốc gia. Cuốn luận án tiến sĩ của ông Quế được Thư viện Quốc gia đóng dấu và lưu giữ. Hơn nữa, theo quy định thì trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước, ông Quế phải nộp cho Bộ GD&ĐT cuốn luận án để Bộ ra quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án - đó chính là cuốn luận án Bộ đã chuyển cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn luận án này hoàn toàn giống cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp ở Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chỉ khác nhau về việc dàn trang.

Cần nói thêm, ngoài việc đối chiếu 03 cuốn luận án tiến sĩ được lưu giữ tại 03 thư viện, Bộ GD&ĐT còn đối chiếu các cuốn luận án này với cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội xuất bản năm 2004, và nhận thấy nội dung các tài liệu này hoàn toàn trùng khớp với nhau. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12/2018, khi trình bày về vấn đề này, luật sư của Bộ GD&ĐT đã liên tục bị Hội đồng xét xử cắt lời vì cho rằng cuốn sách “Bàn về các công cụ…” không thuộc phạm vi xem xét giải quyết của vụ án. Quan điểm của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm là không thỏa đáng, bởi cuốn sách “Bàn về các công cụ…” là tác phẩm của ông Hoàng Xuân Quế, được xuất bản sau khi ông Quế bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nó có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ được quy định tại Luật Tố tụng hành chính.

Tại điểm a khoản 3 Điều 12 Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ của bộ GD&ĐT đã nêu rõ như sau: “Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a. Người được cấp văn bằng chứng chỉ vi phạm các quy định về tuyển sinh, giáo dục, đào tạo do Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành”. Đây chính là căn cứ pháp lý trực tiếp để Bộ tiến hành thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế sau khi xác định chắc chắn hành vi sao chép.

Như vậy, sự thật chỉ có một, đó là ông Quế có sao chép luận án; hành vi sao chép của ông Quế đã vi phạm quy định về đào tạo nên phải chịu chế tài thu hồi văn bằng. Tất cả những lý do phía nguyên đơn nêu ra về trình tụ, thủ tục trong quá trình xử lý vụ việc của Bộ GD&ĐT không thể làm sai khác đi bản chất vụ việc là ông Quế đã có hành vi vi phạm những quy định về đào tạo sau đại học. Bản án sơ thẩm cũng không thể phủ nhận hành vi sao chép luận án của nguyên đơn.

PV: Để bảo vệ quan điểm, quyết định của mình, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ làm gì?

 Ông Nguyễn Huy Bằng:Trước hết, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Bộ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm. Thực tế bản chất sự việc cũng như quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho thấy có đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền kháng nghị xem xét lại Bản án này. Bộ GD&ĐT tin tưởng vụ việc sẽ được xem xét khách quan, đúng bản chất.

Vì vậy, Bộ sẽ có Đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét Bản án sơ thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo về kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Về những ý kiến băn khoăn về việc: nếu thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế thì xử lý các luận văn, luận án đối với các học viên, NCS ông Quế đã hướng dẫn như thế nào, đại diện Lãnh đạo Bộ đã trả lời rõ ràng tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là: kết quả học tập của học viên, NCS là cả quá trình. Việc đánh giá là của cả một tập thể cho nên việc thu hồi bằng của ông Quế không ảnh hưởng - ông Nguyễn Huy Bằng cho biết. 

 

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.