Khởi kiện đòi quyền lợi
Ngày 18/12, thông tin từ TAND TP Hội An (Quảng Nam), đơn vị đang thụ lý đơn khởi kiện của nhóm du khách bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ Phượng (phường Minh An, Hội An) vào ngày 11/9.
Theo đó, có hai nhóm du khách trong và ngoài nước đã đệ đơn khởi kiện cơ sở bánh mỳ này. Nhóm thứ nhất có nguyên đơn gồm 4 người cùng một gia đình ở Hà Nội khởi kiện yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh bánh mỳ Phượng đền bù thiệt hại về sức khỏe, chi phí nằm viện, tiền vé máy bay, tiền khách sạn…
Hồ sơ khởi kiện của nhóm 4 khách hàng ở Hà Nội vẫn còn nằm tại TAND TP Hội An. Hiện hai bên liên lạc, thương lượng nhưng vẫn chưa thống nhất được khoản tiền đền bù.
Nhiều du khách từng bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng ở TP Hội An (Quảng Nam) đã kiện chủ cơ sở kinh doanh này ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. (Ảnh du khách mua bánh mỳ trước khi xảy ra sự cố ngộ độc) |
Trong khi đó, một nhóm khác gồm 3 du khách nước ngoài cũng đã ủy quyền cho luật sư xúc tiến các thủ tục khởi kiện chủ tiệm bánh mỳ Phượng.
Theo lãnh đạo TAND TP Hội An, vì có yếu tố nước ngoài nên Công an TP Hội An đã hướng dẫn nhóm du khách nước ngoài này gửi đơn khởi kiện lên TAND tỉnh Quảng Nam để được giải quyết.
Trước đó, có nhóm khách hàng trong nước khởi kiện chủ tiệm bánh mỳ Phượng ra Tòa dân sự Hội An, nhưng vụ việc đã được hòa giải thành công.
Theo thông tin từ TAND TP Hội An, đa số khách hàng khởi kiện là khách du lịch từ các nơi khác đến. Những người bị ngộ độc ở TP Hội An đều chấp nhận với cách giải quyết của chủ tiệm.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Ngô Thanh Tài, Trưởng văn phòng luật sư Thanh Thiên (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) cho rằng, theo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các khách hàng bị ngộ độc thực phẩm tại tiệm bánh mỳ Phượng vừa qua sẽ được pháp luật bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín…
Do vậy, trong trường hợp này, những khách hàng bị ngộ độc bánh mì có quyền khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các chi phí mà họ bỏ ra như chi phí nằm viện điều trị, công lao động bị mất, lưu trú và các chi phí hợp lý khác theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Mở cửa bán lấy “ngày đẹp”
Đáng chú ý, mặc dù chưa hết thời hạn đình chỉ hoạt động 3 tháng từ ngày 3/10/2023 vì hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nhưng cơ sở bánh mỳ Phượng đã mở cửa buôn bán trở lại hôm qua (17/12).
Theo bà Trương Thị Phượng, chủ tiệm bánh mỳ Phượng, hôm qua tiệm mở cửa trở lại là để vận hành thử nghiệm hệ thống mới, có nhiều người biết và ghé tới mua ủng hộ.
Việc mở cửa lại chỉ nhằm mục đích “thăm dò, vận hành thử nghiệm” xem hệ thống vận hành có trôi chảy hay không, chứ không phải mở cửa bình thường.
Trong khi đó, trước thông tin cơ sở bánh mỳ Phượng đang bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn mở bán trở lại, bà Lê Thị Hồng Cẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam cho biết, đã nắm sơ bộ và cũng đã báo UBND TP Hội An để giám sát, kiểm tra lại vụ việc này.
Nhiều du khách xếp hàng mua bánh mỳ Phượng trước khi chưa xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm. |
Đồng thời, bà Cẩm đã gọi điện thoại trực tiếp cho chủ cơ sở bánh mỳ Phượng và được giải thích hôm qua 17/12 chủ tiệm bánh mì đi “coi thầy”, nói là ngày đẹp nên chỉ mở cửa “chạy thử” để lấy “ngày”. Ngoài ra, chủ tiệm bánh mỳ này cũng cho biết, vì thay lại hoàn toàn máy móc nên chạy để vận hành.
Theo bà Cẩm, trước vụ việc này, Chi cục ATVSTP đã yêu cầu chủ cơ sở bánh mì Phượng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các quyết định xử phạt mà Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký. Cơ sở này bị đình chỉ hoạt động (3 tháng) từ ngày 3/10/2023, nên phải chờ đến ngày 3/1/2024 mới được phép mở lại để kinh doanh, buôn bán.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho hay, việc cơ sở bánh mỳ Phượng được cho buôn bán trở lại hay không là do cấp tỉnh quyết định. Bởi trước đó, UBND tỉnh quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với cơ sở kinh doanh này.
Theo ông Sơn, việc cơ sở này mở lại có thể là để lấy ngày đẹp thôi, địa phương sẽ cho người kiểm tra, làm rõ việc này. Trường hợp chưa chấp hành xong đủ thời gian đình chỉ mà mở cửa kinh doanh buôn bán thì thành phố sẽ yêu cầu dừng.
Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, chiều 12/9, Trung tâm Y tế TP Hội An tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh. Sau đó, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu, gửi Viện Pasteur Nha Trang.
Qua xác minh, điều tra, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam xác định tổng cộng 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mỳ Phượng. Trong đó có 103 người nước ngoài. Số người nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là 273 người; có 40 người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại.
Căn cứ kết quả kiểm nghiệm các mẫu từ Viện Pasteur Nha Trang, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ Phượng được xác định là do mẫu thịt heo xíu (thức ăn trong nhân bánh mì) lấy mẫu làm ngày 11/9 (và lấy mẫu cơ sở lưu vào sáng 12/9) dương tính/25g với vi khuẩn Salmonella spp. Kết quả này được kiểm nghiệm qua mẫu thức ăn lưu và mẫu phân của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.