Khẳng định “không ngăn cản” thăm con
Trước đó, phản ánh đến Báo PLVN, anh Nguyễn Thành Tuấn cho biết, anh và chị Kha Ngọc Kim Châu kết hôn năm 2013, hai người có một con gái chung là cháu N.P.L, sinh năm 2014.
Do mâu thuẫn vợ chồng, hai người sống ly thân từ đầu năm 2018, sau đó chị Châu làm đơn ly hôn. Ngày 24/12/2018, TAND TX.Bến Cát có bản án sơ thẩm số 72/2018/HNGĐ-ST về “Tranh chấp ly hôn và nuôi con” (gọi tắt là bản án số 72). Theo đó, TAND TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương) giải quyết cho hai người được ly hôn, anh Tuấn được giao quyền nuôi con chung là bé L. Nhưng vì thương con, nghĩ con muốn được gần mẹ nên anh đã đồng ý cho con gái về sống với mẹ. Anh Tuấn cũng cho biết, anh bị gia đình chị Châu ngăn cản quyền thăm con.
Trình bày với PV Pháp luật Việt Nam, chị Châu khẳng định, chị và gia đình luôn tạo mọi điều kiện để anh Tuấn được thăm con và không ngăn cản việc anh Tuấn đưa con về thăm bà nội ở Bình Dương. Chị và gia đình không hề có hành vi vu khống, bôi nhọ bằng những hình ảnh xấu xa để con gái của hai người sợ hãi, xa lánh bố. Chị Châu cho rằng mình luôn tuân thủ nghiêm túc pháp luật về Hôn nhân và Gia đình chứ không vi phạm luật này như ông Tuấn nói.
Chị Châu bức xúc: “Tôi và gia đình luôn tạo mọi điều kiện để ông Tuấn thăm con, điều này được thể hiện rõ thông qua sự hồi đáp bằng điện thoại, tin nhắn, văn bản. Việc ông Tuấn cho rằng gia đình tôi cản trở ông ấy thăm con là bịa đặt, sai sự thật. Chẳng những không cản trở ông Tuấn, tôi và gia đình tôi còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Tuấn được thăm nom, chăm sóc con. Tuy nhiên ông Tuấn tỏ ra khá hời hợt trong việc quan tâm, chăm sóc con cái. Trong lúc chờ tòa xử án thì thời gian gần đây, ông Tuấn còn có nhiều hành vi “lạ lùng” và “khó hiểu” khiến cho sự việc thêm rối ren, phức tạp."
Theo chị Châu, tại bản án số 72, ông Tuấn cung cấp cho Tòa một vi bằng số 7550 được lập ngày 7/8/2018, trong đó cho rằng gia đình chị có hành vi cản trở anh Tuấn thăm con. Tòa đã căn cứ vào vi bằng này để làm một trong các lý do bác bỏ quyền nuôi con của chị.
Chị Châu cho rằng, đây là điều vô lý. Bởi liên quan đến vi bằng trên, ngày 21/1/2019, Văn phòng Thừa phát lại quận 5, TP.HCM - cơ quan mà anh Tuấn cho là lập vi bằng 7550 - đã có văn bản số 02/CV-TPLQ5 trả lời “đơn xin sao lục vi bằng” của gia đình chị khẳng định: gia đình chị không có tên trong vi bằng 7550. Do đó không có cơ sở để khẳng định vi bằng 7550 đề cập đến chuyện chị Châu và gia đình chị cản trở anh Tuấn thăm con. Vì sự vô lý này mà TAND cấp phúc thẩm tỉnh Bình Dương đã bác bỏ tính pháp lý của vi bằng trong vụ án cũng như sự thiếu khách quan của TAND TX.Bến Cát.
Hủy một phần bản án sơ thẩm do vi phạm quy trình tố tụng
Ở một diễn biến khác, ngay sau khi TAND TX.Bến Cát ra quyết định về bản án số 72 “tranh chấp ly hôn và nuôi con”, chị Châu đã có đơn kháng cáo bản án lên tòa phúc thẩm, chủ yếu kháng cáo tranh chấp quyền nuôi con. Ngày 21/3/2019, TAND tỉnh Bình Dương đã ban hành bản án phúc thẩm số 08/2019/HNGĐ-PT, trong đó có kết luận một số vi phạm của tòa sơ thẩm, cũng như làm rõ một số điểm còn vướng mắc tại bản án sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm số 08/2019/HNGĐ-PT về “Tranh chấp ly hôn và nuôi con” hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về tòa án TX. Bến Cát để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tòa phúc thẩm đã chỉ ra rằng: Tòa sơ thẩm chưa làm rõ được chuyện gia đình chị Châu có hành vi ngăn cản anh Tuấn thăm con. Ý kiến của Viện kiểm sát là chưa phù hợp. Yêu cầu kháng cáo của chị Châu là có căn cứ một phần nên được chấp nhận. Tòa sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến việc giải quyết vụ án không triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Tại mục 3 - mục Nhận định của tòa án, có nêu rõ: Xét thấy, trước khi giải quyết ly hôn, cháu L. sinh sống với mẹ là chị Châu và ông bà ngoại là ông Kha Tấn Quốc và bà Lê Thị Tuyết Lý (cha, mẹ ruột của chị Châu) tại địa chỉ 280 Trần Văn Kiểu, P.11, Q.6, TP.HCM. Trong quá trình giải quyết tranh chấp ly hôn giữa anh Tuấn và chị Châu thì anh Tuấn đã nhiều lần thực hiện quyền thăm con nhưng đã bị chị Châu, ông Quốc và bà Lý có hành vi cản trở mà không có lý do chính đáng.
Việc anh Tuấn bị chị Châu, ông Quốc và bà Lý cản trở việc thăm nom, chăm sóc cháu L. thì anh Tuấn có cung cấp chứng cứ là vi bằng 7550/2018/VB-TPLQ5 do Văn phòng Thừa phát lại Quận 5, TP. Hồ Chí Minh lập ngày 7/8/2018 cũng như đĩa DVD mà anh Tuấn cung cấp cho tòa sơ thẩm. Nhưng trong quá trình tố tụng, tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ những người có hành vi ngăn cản anh Tuấn thăm con được thể hiện trong vi bằng cũng như trong đĩa DVD gồm những ai, có phải chị Châu, ông Quốc, bà Lý hay không?
Theo quy định tại khoản 2 điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên trong gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm con, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Như vậy, khi giải quyết tranh chấp nuôi con chung giữa chị Châu và anh Tuấn, tòa sơ thẩm cần phải xác định ông Kha Tấn Quốc và bà Lê Thị Tuyết Lý là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đưa vào tham gia tố tụng giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bên cạnh đó, tòa phúc thẩm cũng đã nêu ra một loạt vi phạm tố tụng của tòa án sơ thẩm. Theo đó, về thủ tục tố tụng, TAND TX.Bến Cát đã vi phạm nghiêm trọng các Điều 208, 209, 201, 211 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015; vi phạm thời gian hoãn phiên tòa (vượt quá 22 ngày); không xác định được ông Tuấn có nộp đơn hay không; thiếu khách quan trong việc lập biên bản đối với giáo viên trường mầm non Phường14, Q.10, TP.HCM khi giáo viên và đại diện nhà trường không đồng ý ký tên…
Từ đây, HĐXX phúc thẩm hủy một phần Quyết định của bản án số 72 ngày của TAND TX.Bến Cát về quan hệ hôn nhân và nuôi con chung giữa chị Châu và anh Tuấn. Đồng thời, giao hồ sơ về cho tòa sơ thẩm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể nói, liên quan tới về vấn đề này, HĐXX sơ thẩm cần xác định rõ: chị Châu và gia đình chị Châu có hành vi ngăn cản anh Tuấn thực hiện quyền thăm con hay không? Từ đó, mới có thể giải quyết triệt để, dứt điểm vụ án theo đúng trình tự quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cháu L. được sinh sống và học tập, vui chơi trong môi trường, điều kiện tốt nhất cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự khác trong vụ án.