Vụ án nhiều lần bị hoãn xét xử
Ngày 10/4/2019, Luật sư Ngô Ngọc Trai (Văn phòng luật Công Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có công văn gửi Bí thư Huyện ủy, Chánh án, Viện trưởng VKSND huyện Hiệp Hòa phản ánh những khuất tất trong công tác tổ chức phiên tòa vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Mười (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội) và bị đơn Trần Văn Công đang được TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý theo trình tự sơ thẩm mà Báo PLVN có nhiều bài viết phản ánh.
Luật sư Trai cho biết: Vụ án đã qua 4 lần dự định mở phiên tòa nhưng đều không được giải quyết kết thúc. Có phiên đang diễn ra đến phần xét hỏi thì Kiểm sát viên và Thẩm phán quyết định dừng phiên tòa để thẩm tra chứng cứ. Nhưng sau đó phiên tòa mở lại thì vẫn bị dừng tiếp vì việc thẩm tra chưa thực hiện, sau đó mở và lại bị dừng với những lý do khác nhau.
Trong khi đó, theo BLTTDS, việc tạm dừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 1 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này nếu lý do ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ông Trai cho biết, là luật sư bảo vệ cho bị đơn, ông có mặt ở tất cả các phiên tòa được mở và không đồng tình với cách thức điều khiển phiên tòa của chủ tọa cũng như cách giải quyết vụ án dây dưa kéo dài của HĐXX. “Việc phiên tòa mở nhiều lần nhưng không kết thúc được và trì hoãn nhiều lần, cộng với sự vắng mặt của những người có trách nhiệm liên quan khiến chúng tôi nghi
ngờ có khuất tất trong giải quyết vụ án. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ công tác giải quyết vụ án, chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử dứt điểm, phân định rõ đúng sai theo quy định của pháp luật”, Văn bản gửi các cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa của văn phòng luật sư nêu.
Yêu cầu UBND huyện vào cuộc
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng trong vụ án trên có liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Hiệp Hòa. Cụ thể, đất của bị đơn đang sử dụng có địa chỉ là Thôn Văn Tự, xã Đức Thắng, còn thông tin địa chỉ thửa đất trên giấy chứng nhận của nguyên đơn lại ghi là thôn Hồng Phong, xã Thường Thắng. Nhưng khi tòa án xét xử, đại diện UBND huyện Hiệp Hòa, UBND xã Đức Thắng, Thường Thắng đều vắng mặt không có lý do.
Theo luật sư, các cơ quan này được TAND huyện Hiệp Hòa xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa, nhưng do thẩm phán thiếu kiên quyết và mặc dù luật sư đã gửi văn bản đề nghị thẩm phán chủ tọa lưu ý triệu tập người đại diện của các cơ quan đó, nhưng họ vẫn vắng mặt. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến việc làm rõ những sai phạm, nhầm lẫn trong quá trình lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho nguyên đơn dẫn đến tranh chấp.
Trước đó, trao đổi với PV Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng TN&MT huyện Hiệp Hòa cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai thì đất thuộc địa giới hành chính xã này mà xã khác lại làm hồ sơ để cấp sổ cho dân địa phương mình là sai. Tuy nhiên, ông Huệ nói, do tranh chấp đang thuộc thẩm quyền của tòa giải quyết nên việc UBND huyện Hiệp Hòa có thu hồi hay điều chỉnh sổ đỏ hay không thì còn phải chờ tòa án phán xét đất đó thuộc của ai. Khi có bản án, cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ để xử lý, nếu huyện cấp sai thì phải hủy.
Ở một diễn biến khác, ngày 16/4/2019, Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng Cục đất đai (Bộ TN&MT) có Văn bản số 117 yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc vị trí, hiện trạng thửa đất của 2 gia đình ông Công và ông Mười để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Cơ quan này yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa trả lời kết quả cho ông Trần Văn Công biết, đồng thời gửi thông báo kết quả về Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai trước ngày 15/5/2019.