Thu hồi đất, “tịch thu” tài sản trên đất
Năm 2008, ông Quyết nhận chuyển nhượng thửa ruộng 654m2 thuộc thửa số 1/80 ở xứ đồng Dương Lôi của gia đình ông Nguyễn Thọ Tuấn. Đây là một trong ba thửa có tổng diện tích 1.224m2 cùng trong sổ đỏ do UBND huyện Tiên Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ) cấp cho nhà ông Tuấn. Vợ chồng ông Tuấn đã ký nhận và giao bản gốc sổ đỏ; ông Quyết sử dụng thửa đất từ đó đến nay, không tranh chấp.
Khi nghe thông tin đất bị thu hồi, chủ đất cũ có đơn xác nhận việc chuyển nhượng đất năm 2008, đề nghị UBND Từ Sơn thông báo liên hệ ông Quyết thực hiện việc thu hồi, đền bù. UBND Từ Sơn cũng đã đăng ký biến động tại Thông báo 131/UBND ngày 28/6/2017. Nhưng ngày 20/9/2017, UBND Từ Sơn lại ra Quyết định 1600A/QĐ-UBND thu hồi 545,8m2 đất của hộ ông Nguyễn Thọ Tuấn, giao Cty Mạnh Đức quản lý.
Ông Quyết khiếu nại, cho rằng việc chuyển nhượng đã phù hợp khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai; khoản 2 mục h Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP, Điều 129 Bộ luật Dân sự… Thế nhưng, Chủ tịch UBND Từ Sơn vẫn không công nhận giao dịch này. Ngày 21/3/2017 UBND Từ Sơn lại ra Thông báo 1855/TB-UBND, thu hồi còn 545,8m2 trong thửa đất ông Quyết mua của ông Tuấn. Đến nay toàn bộ diện tích 654m2 đất của ông Quyết đã bị Cty TNHH Mạnh Đức san lấp xây nhà ở và bán.
UBND Từ Sơn còn ra Quyết định 661/QĐ-NPNL “tịch thu” tài sản của ông Quyết trên đất, lý do ông Quyết “cản trở việc sử dụng đất của người khác” để giao mặt bằng cho Cty Mạnh Đức.
Ông Quyết khởi kiện, đề nghị Toà án hủy Quyết định 661/QĐ-NPNL, 1600A/QĐ-UBND do giao đất cho Cty Mạnh Đức trái thẩm quyền, trái pháp luật, đất này của gia đình ông Quyết, không liên quan ông Tuấn.
Tòa án tỉnh Bắc Ninh xử sơ thẩm, bác đơn khởi kiện. Ông Quyết kháng cáo. TAND Cấp cao tại Hà Nội 5 lần mở phiên tòa đều hoãn, trong đó 3 lần do bị đơn là UBND Từ Sơn vắng mặt.
Cuối cùng, TAND Cấp cao đưa vụ án ra xử vắng mặt bị đơn, ra Bản án phúc thẩm 49/2021/HC-PT, bác yêu cầu khởi kiện của ông Quyết, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Nhiều vấn đề cần xem xét
Ông Quyết cho rằng đã ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa và nhận định bản án phúc thẩm phản ánh không trung thực diễn biến đó. Ví dụ, đại diện VKS Cấp cao phát biểu quan điểm giải quyết “ông Quyết mới là chủ sử dụng đất” và “đề nghị HĐXX chấp nhận đề nghị của ông Quyết, hủy Quyết định 1600A/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND Từ Sơn do thu hồi sai đối tượng”. Nhưng trang 13 bản án phúc thẩm lại ghi “đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản Điều 241 Luật Tố tụng Hành chính, bác đơn kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm…”.
Ông Quyết cũng phản ánh TAND Cấp cao trưng cầu giám định “Giấy chuyển nhượng đất”, nhưng khi xét xử không công khai, không sử dụng kết quả giám định.
Quyết định 661/QĐ-NPNL của UBND Từ Sơn tịch thu tài sản của ông Quyết, cho rằng ông Quyết “cản trở việc sử dụng đất của người khác” và “đã có hành vi vi phạm khoản 2 Điều 11 Nghị định 102/NĐ-CP… tự ý đóng cọc bê tông, đào bới, làm hàng rào”. Nhưng bản án phúc thẩm lại đưa ra thông tin “ông Quyết sử dụng đất sai mục đích” trồng cây xấu hổ đỏ, trồng chuối xây dựng nhà kho (nhà cấp 4), tường rào xung quanh khu đất”. Trong thực tế không có ngôi nhà cấp 4 và tường rào nào được xây dựng trên khu vực này. Ông Quyết chỉ chôn cọc làm mốc, dựng biển báo “Cấm mua bán, cấm xây dựng” để bảo vệ tài sản.
Cốt lõi của vụ án là việc ông Quyết nhận chuyển nhượng 654m2 đất năm 2008, khi luật quy định không phải công chứng, chứng thực, theo điểm h khoản 2 Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Trong hồ sơ vụ án, UBND Từ Sơn và đoàn xác minh của UBND từ Sơn có tới 4 quyết định và công văn, cũng thừa nhận, theo khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ ông Quyết đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.
Một LS nhận xét, như vậy, ông Quyết đủ điều kiện nhận bồi thường khi bị thu hồi đất theo khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai, nhưng hai cấp lại bác yêu cầu, nên đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của ông Quyết là có căn cứ, cần được cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.