Tại Văn bản 934/TTTP(P4) ngày 30/3/2017 của Thanh tra TP Hà Nội, đã nêu, hồ sơ cấp GCN cho Cty OLECO không có báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng khu đất tại thời điểm xét cấp GCN của Cty đang tồn tại 2 dãy nhà tập thể với 10 hộ dân đang ăn ở, sinh sống; nhưng khi thụ lý hồ sơ, Sở TN&MT chưa kiểm tra thực tế hiện trạng sử dụng đất mà chỉ căn cứ báo cáo của Cty để cấp GCN diện tích 1.540m2 là có thiếu sót. Đây là dự án xây nhà chung cư cao tầng, chủ đầu tư phải tiến hành thoả thuận với người dân.
Thanh tra cũng xác định, Cty OLECO có trách nhiệm kế thừa, giải quyết các tồn tại trước đây, trong đó có việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án. Yêu cầu Cty OLECO căn cứ chính sách bồi thường, hỗ trợ hiện hành để có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cụ thể cho các hộ dân đang ở trên đất.
Cty OLECO sau đó khởi kiện ra tòa. Ngày 11/10/2021, TAND Thanh Trì đưa vụ kiện “đòi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” giữa nguyên đơn là Cty OLECO và bị đơn ông Nguyễn Đăng Thịnh (ngụ số 12, KTT Liên hiệp Thủy Lợi 1) ra xét xử. Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Cty OLECO; xác định gian nhà tập thể số 12 nằm trên diện tích 1.540m2 tại Km10, quốc lộ 1A, đường Ngọc Hồi, xã Tứ Hiệp thuộc quyền quản lý, sử dụng của Cty OLECO đã được UBND Hà Nội cấp GCN số 190026 ngày 7/6/2016. Buộc gia đình ông Thịnh phải trả lại quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là gian nhà tập thể cho Cty OLECO.
Ngày 31/5/2022, TAND TP đưa vụ án ra xử phúc thẩm, quyết định sửa Bản án dân sự sơ thẩm 91/2020/DS-ST của TAND Thanh Trì. HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty OLECO về việc bồi thường giá trị khai thác quyền sử dụng đất để làm dự án mà Cty thiệt hại do ông Thịnh không trả lại nhà đất cho Cty.
Theo LS Đỗ Duy Hưng (Cty Luật TNHH Duy Hưng, Đoàn LS Hà Nội), trong vụ án trên, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Đăng Thanh (SN 1994) hiện đang sinh sống làm việc tại Hàn Quốc từ 2018. Nói cách khác, vụ án hiện có đương sự ở nước ngoài.
Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 BLTTDS, tranh chấp dân sự có đương sự ở nước ngoài thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Do vậy, vụ án thuộc thẩm quyền TAND cấp tỉnh; TAND huyện Thanh Trì phải ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa có thẩm quyền giải quyết. Nhưng TAND Thanh Trì sau khi thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết vụ án là vi phạm về thẩm quyền.
Đến cấp phúc thẩm, TAND Hà Nội vẫn cho rằng bị đơn không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Thanh nên không có cơ sở để xem xét giải quyết. Sau này các thành viên trong gia đình ông Thịnh có tranh chấp với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ thì có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.
LS Hưng nói: “Trong hồ sơ vụ án, bị đơn đã cung cấp Hợp đồng lao động của anh Thanh làm cơ sở đề nghị Tòa giải quyết. Nhưng tài liệu này lại không được toà xem xét giải quyết theo đúng quy định”.
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Tâm (ngụ số 22) cũng có con trai là Bùi Văn Nghĩa (SN 1971), ở nước ngoài từ năm 2001; là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.
Ngoài ra, trong vụ án cũng tồn tại một số vấn đề như chưa tiến hành thủ tục hoà giải tại cấp xã; nguyên đơn không gửi hồ sơ, tài liệu cho bị đơn…
Ông Thịnh nói: “Tôi cho rằng TAND huyện Thanh Trì và TAND Hà Nội đã có một số vi phạm về tố tụng, không xem xét, đánh giá đúng, đầy đủ các tình tiết chứng cứ khách quan của vụ án. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp gia đình tôi”.
Được biết, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án huyện Thanh Trì đã có các văn bản thông báo cưỡng chế, yêu cầu người dân trả nhà và chuyển giao quyền sử dụng đất cho Cty OLECO. Các hộ dân tiếp tục có đơn đề nghị tạm dừng thi hành án, đồng thời có đơn đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tại buổi tiếp công dân ngày 21/9/2022, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự xem xét nội dung kiến nghị của các công dân, tạo điều kiện cho các hộ có chỗ ăn ở, sinh hoạt trong thời gian các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc.