Từ vụ kiện tranh chấp đất, đến kiện đòi hủy “sổ đỏ”
Theo hồ sơ, vợ chồng ông Phước khai hoang khu đất bên cạnh khu đất nhà bà hàng xóm. Các năm 2006 và 2007, UBND TP Đông Hà lần lượt cấp “sổ đỏ” cho hộ người hàng xóm, rồi hộ ông Phước.
Năm 2010, ông Phước chuyển nhượng một phần đất cho anh Lê Văn Hoài. Năm 2016, khi anh Hoài đào móng làm nhà thì người hàng xóm cho rằng đất của mình bị lấn, khởi kiện ra toà.
Ngày 7/2/2018, TAND Quảng Trị mở phiên sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; buộc ông Phước trả lại 51m2 chồng lấn lên đất nguyên đơn; buộc anh Hoài trả 81m2 lấn chiếm của nguyên đơn.
Ông Phước kháng cáo. Ngày 16/8/2018, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm. Quan điểm của VKSND cấp cao đánh giá yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở pháp lý. VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của ông Phước và anh Hoài; sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác đơn kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
Ông Phước tiếp tục làm đơn đề nghị cấp thẩm quyền xem xét vụ án theo thủ tục tái thẩm. Đồng thời, ông cũng khởi kiện quyết định hành chính cấp “sổ đỏ” cho hộ người hàng xóm của UBND Đông Hà. Ông Phước cho rằng việc cấp “sổ đỏ” cho hộ người hàng xóm là chưa đúng luật, không đúng thực tế.
Theo kết quả đo đạc ghi ngày 30/10/2019 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Đông Hà thì diện tích được cấp “sổ đỏ” của người hàng xóm là 657m2; nhưng diện tích hiện trạng thực tế lên tới 1.139m2. Như vậy, diện tích đang sử dụng lớn hơn nhiều so với “sổ đỏ”.
Cũng theo ông Phước, từ hàng chục năm trước đến lúc kiện tụng, hai gia đình không hề có tranh chấp, ranh giới rõ ràng. Năm 2007, chính gia đình người hàng xóm đúc, chôn cọc bê tông, giăng dây thép gai làm ranh giới. Hiện hàng rào đó vẫn tồn tại một phần. Ông Phước cũng lấy đó làm ranh giới, “điều này chứng tỏ tôi không lấn chiếm đất người hàng xóm”.
Ông Phước cũng cho rằng những tài liệu do nguyên đơn cung cấp cho tòa có mâu thuẫn, dấu hiệu giả mạo chứng cứ. Nguyên đơn cung cấp cho Tòa 2 bản sao đơn xin đất làm nhà đề ngày 6/5/1991; nhưng 1 bản thể hiện diện tích 120m2, còn 1 bản thể hiện diện tích 1.000m2. Một bản có số bút lục, còn 1 bản không có bút lục. Một bản có con dấu UBND phường 3, còn 1 bản không đóng dấu.
Tại Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất người hàng xóm lập năm 2002, ở phần “các chủ sử dụng liền kề”, ông Phước cho rằng không phải chữ ký của mình. TAND Quảng Trị đã trưng cầu giám định. Bản kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh khẳng định biên bản về ranh giới, mốc giới của hộ liền kề không phải là chữ ký, chữ viết của ông Phước.
Theo TAND tỉnh Quảng Trị, đây là tình tiết mới trong vụ việc này. Vì vậy, ông Phước tin tưởng vụ kiện tranh chấp đất sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Cần nhắc lại, thời điểm này ông Phước cũng đang khởi kiện quyết định hành chính của UBND Đông Hà cấp “sổ đỏ” cho hộ người hàng xóm.
Hai văn bản năm 2019 và 2020 của TAND tối cao. |
Hai lần TAND tối cao có hướng dẫn
Ngày 6/2/2020, Chánh án TAND Quảng Trị có văn bản gửi Chánh án TAND tối cao.
Văn bản nêu, quá trình giải quyết vụ án hành chính (ông Phước là người khởi kiện - NV), TAND Quảng Trị phát hiện “Sổ đỏ” BV 561188 UBND Đông Hà cấp cho hộ hàng xóm ông Phước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự. Toà sơ và phúc thẩm đã dựa vào quyết định hành chính cá biệt này để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người hàng xóm. Hai cấp tòa không phát hiện tình tiết này và một số tình tiết xuất hiện sau khi xét xử, nên bản án kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan.
Để giải quyết toàn diện các vấn đề trong vụ án, tránh xung đột giữa bản án dân sự và bản án hành chính sau này, TAND Quảng Trị kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ kiện tranh chấp đất.
Ngày 15/12/2020, TAND tối cao có Văn bản 635/CV-TA hướng dẫn: “Đến thời điểm hiện tại chưa có quyết định hay bản án nào có hiệu lực hủy “sổ đỏ” trên. TAND tỉnh Quảng Trị cần tiến hành giải quyết theo yêu cầu chung vụ án hành chính, yêu cầu huỷ Quyết định hành chính cấp “Sổ đỏ” số BV 561188 của UBND Đông Hà. Từ bản án này, Chánh án TAND tối cao mới có căn cứ xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm”.
Theo LS Hà Huy Từ (Cty Luật Hà Huy, Đoàn LS Hà Nội): “Văn bản của TAND tối cao cho thấy nếu vụ kiện hành chính được đưa ra xử, Quyết định hành chính cấp “Sổ đỏ” BV 561188 bị huỷ; thì TAND tối cao sẽ xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm với vụ kiện tranh chấp đất”. Nói cách khác, Tòa Quảng Trị phải xử vụ kiện hành chính đòi hủy “sổ đỏ” trước; sau đó Tòa tối cao căn cứ vào đó mới xem xét kháng nghị tái thẩm vụ kiện tranh chấp đất.
Một điểm lưu ý nữa, là liên quan ông Phước, trước đó TAND tối cao cũng có một văn bản khác. Ngay sau khi thua kiện ở phiên phúc thẩm vụ tranh chấp đất, nghĩa là thời điểm TAND Quảng Trị chưa phát hiện ra vụ án có tình tiết mới; ông Phước đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ngày 25/12/2019, TAND tối cao có Thông báo 509/TB-TA trả lời đơn đề nghị Giám đốc thẩm của ông Phước không có căn cứ để kháng nghị. Tuy nhiên như trên đã nêu, 1 năm sau, khi TAND Quảng Trị phát hiện có tình tiết mới, ngày 15/12/2020, TAND tối cao có Văn bản 635/CV-TA tiếp tục hướng dẫn vụ việc liên quan ông Phước.
Đến ngày 19/5/2021, TAND Quảng Trị có quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện hành chính của ông Phước. TAND Quảng Trị cho rằng theo Thông báo 509/TB-TA của TAND tối cao, thì “yêu cầu khởi kiện của ông Phước đã giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật”. Và như vậy, việc xem xét kháng nghị với vụ tranh chấp đất của Tòa tối cao cũng không thể thực hiện trong thực tế.
“Tôi cho rằng cơ quan tố tụng địa phương đã có sự nhầm lẫn, lẽ ra phải thực hiện theo Hướng dẫn 635/CV-TA năm 2020 thì lại áp dụng Văn bản 509/CV-TA năm 2019; rồi đình chỉ chưa đúng quy định với vụ kiện hành chính của tôi”, ông Phước nêu quan điểm.