Anh chị em đòi chia nhà cha mẹ để lại
Trong đơn, ông Hùng cho biết: Bố mẹ ông là cụ ông Trần Hữu Đức, cụ bà Trần Thị Vân (đều đã mất) khi còn sống tạo lập được khối tài sản gồm một căn nhà hai tầng tại số 12, phố Lê Đại Hành, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình trên diện tích đất 96m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 00020 QSDĐ/TX ngày 20/3/2002 mang tên hai cụ Đức - Vân; và căn nhà tại địa chỉ tổ 9, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình xây trên diện tích đất 60,5m2 đã được cấp GCN số AB 640744 ngày 15/6/2010 mang tên cụ Đức.
Năm 2001 cụ Vân qua đời không để lại di chúc và ông Hùng ở với bố tại ngôi nhà tại số 12, phố Lê Đại Hành. Khi còn sống, cụ Đức đã thống nhất cho ông Hùng 1/2 căn nhà và 1/2 diện tích đất này để thờ cúng tổ tiên, bố mẹ; một nửa nhà đất còn lại và nhà đất tại địa chỉ tổ 9, phường Hoàng Diệu được chia đều cho năm người con và việc này có nhiều người làm chứng.
“Đến năm 2013, bố tôi qua đời và tôi hết sức tôn trọng di nguyện của bố trước khi mất về việc phân chia di sản thừa kế. Thế nhưng, sau đó các chị Trần Thị Thúy, Trần Thị Hiền, Trần Thị Hằng, Trần Thị Thủy lại làm đơn khởi kiện tôi ra TAND TP Thái Bình yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật là không đúng với ý nguyện của bố tôi”, ông Hùng cho biết.
Ngày 14/5/2018, TAND TP Thái Bình đã đưa vụ kiện “Chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là các bà Trần Thị Thúy, Trần Thị Hiền, Trần Thị Hằng và Trần Thị Thủy ra xét xử. Bản án số 05/2018/DS-ST ngày 14/5/2018 HĐXX quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Trần Hữu Đức và cụ Trần Thị Vân của các bà Thúy, Hiền, Hằng và Thủy; công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Ông Hùng sở hữu nhà và sử dụng đất tại tổ 9, phường Hoàng Diệu và có trách nhiệm thanh toán cho các bà Thúy, Hiền, Hằng và Thủy mỗi người hơn 59 triệu đồng. Giao cho bà Trần Thị Hằng được sở hữu nhà và sử dụng đất tại số 12, phố Lê Đại Hành, bà Hằng phải thanh toán cho ông Hùng hơn 953 triệu đồng, các bà Thúy, Hiền và Thủy mỗi người hơn 635 triệu đồng.
Không đồng tình, ông Hùng đã làm đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật, chứng cứ có lợi cho bị đơn... Đồng thời ông Hùng đề nghị cấp phúc thẩm chia cho ông được sở hữu và sử dụng 1/2 nhà đất của bố mẹ ông để lại theo ý nguyện của bố ông.
Đương sự không đồng tình sau phán quyết
Trong các ngày 4 và 8/1/2019, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Hữu Hùng; sửa Bản án sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 14/5/2018 của TAND TP Thái Bình; chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Trần Hữu Đức và cụ Trần Thị Vân của các bà Thúy, Hiền, Hằng và Thủy. Giao cho bà Hằng được sử dụng 60,5m2 đất và tài sản trên đất tại tổ 9, phường Hoàng Diệu, bà Hằng phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho ông Hùng, bà Thúy, Hiền và Thủy mỗi người hơn 49 triệu đồng. Giao cho ông Hùng được sở hữu và sử dụng nhà đất tại số 12, phố Lê Đại Hành và phải trả cho bà Thúy, Hiền, Hằng và Thủy mỗi người hơn 640 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án, ông Trần Hữu Hùng cho rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm chưa xác định được tính hợp pháp, tính xác thực của di sản, bởi lẽ ngay từ khi thụ lý vụ án, phía nguyên đơn chỉ nộp cho tòa án bản photocopy sổ đỏ. TAND TP Thái Bình đã thụ lý mà không xem xét tính hợp pháp của chứng cứ theo đúng Khoản 1, Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự... Việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng này dẫn tới việc chưa xác định được tình trạng của di sản xem di sản đã bị bán chưa, có bị cầm cố, thế chấp hay phải thực hiện một nghĩa vụ nào không…
Tại sao khi nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện, tòa án không xem xét tính hợp pháp của chứng cứ chỉ là bản photocopy mà cũng thụ lý vụ án? Phải chăng là đã cố tình che giấu chứng cứ bất lợi cho nguyên đơn mà làm sai quy định pháp luật?”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, trong gia đình ông là con trai duy nhất, theo phong tục, tập quán thì ông và con trai ông sẽ là người nối dõi tông đường, hương khói cho bố mẹ sau này. Lúc còn sống, bố ông đã nói tại cuộc họp gia đình rằng cho ông được hưởng một 1/2 căn nhà và quyền sử dụng đất tại số 12, phố Lê Đại Hành làm nơi ở và thờ cúng tổ tiên, phần còn lại chia đều cho năm anh chị em, việc này có sự chứng kiến của các cô và chú ruột ông là ông Trần Hữu Liêm, bà Trần Thị Tích, bà Trần Thị Tịch.
Theo đó, lời khai của ông Liêm (tại Bút lục số 162) có nội dung: “Khoảng năm 2007, ông Trần Hữu Đức có tuyên bố bằng lời nói là cho anh Trần Hữu Hùng được sở hữu một nửa căn nhà và sử dụng 1/2 diện tích đất tại địa chỉ số nhà 12 phường Kỳ Bá. Ngoài tôi còn có các em ruột của ông Đức là bà Trần Thị Tiết, Trần Thị Tịnh và ông Trần Hữu Hạnh đều nghe thấy. Lúc đó ông Đức còn khỏe và minh mẫn...”. Và trong lời trình bày qua đơn (bút lục số 80, 81) ông Liêm, bà Tích, bà Tịch xác định: “Trước đây khi vợ chồng anh chị Đức, Vân còn sống đã từng nói với anh em chúng tôi và cũng từng họp gia đình và nói về việc chia tài sản như sau: Cho con Trần Hữu Hùng được hưởng một nửa căn nhà và quyền sử dụng đất tại số 12 phố Lê Đại Hành để Hùng làm nơi ở và thờ cúng bố mẹ; nửa còn lại và căn nhà tại tổ 9 phường Hoàng Diệu sẽ được chia đều cho tất cả các con”.
“Thế nhưng, trong quá trình giải quyết vụ án tình tiết khách quan này đã không được HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xét toàn diện...”, ông Hùng phản ánh.
Do không đồng tình với phán quyết trên, ông Hùng đã làm đơn gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.