Lợi dụng hiểu biết chiếm đất tổ tiên làm của riêng
Theo đơn của bà Lan, mảnh đất của ông nội bà tên là Phạm Chưởng nằm tại địa phận “Hốc ông Điểm” thuộc phường Phước Hải. Trước lúc lâm chung, ông nội trăng trối sau khi mình qua đời cho đều các con mảnh đất trên. Chủ khu đất có tất cả 11 người con.
Đến năm 1976 Nhà nước có chính trả lại những phần diện tích đất không thuộc Hợp tác xã nông nghiệp cho chủ nhân cũ. Khu đất của ông nội bà Lan rộng hơn 9.000m2 do nhiễm phèn nặng nên thuộc diện được trả.
Bấy giờ ông Phạm Em là cháu nội đích tôn của ông Chưởng có đến chính quyền làm thủ tục nhận đất. Tuy nhiên vì đây là đất họ tộc nên cơ quan chức năng từ chối giải quyết, yêu cầu ông Em phải có giấy uỷ quyền của những người con khác của chủ đất.
Bà Lan dẫn lời mẹ ruột mình kể lại lúc bấy giờ ông Em (anh em con chú bác với bà Lan) âm thầm về soạn thảo giấy uỷ quyền rồi nhờ mấy người cháu kí tên hộ, kí khống. Cũng theo lời bà Lan trình bày, ông Em có tìm gặp mẹ mình nói bóng gió chuẩn bị 5 chỉ vàng là chi phí ông đi đòi lại đất cho họ tộc. Do gia cảnh nghèo khó, mẹ bà Lan hứa rằng sau này có điều kiện sẽ trả bù.
Nhờ tờ đơn uỷ quyền, đến năm 2000, ông Phạm Em đã hoàn thành thủ tục nhận lại đất. Thế nhưng người cháu đích tôn này đã mưu mẹo biến mảnh đất từ chỗ của chung họ tộc thành của riêng vợ chồng mình và nghiễm nhiên trở thành người kế thừa duy nhất.
Điều khiến gia đình bà Lan bức xúc là vào thời gian đầu tháng 8/2000, UBND tỉnh Khánh Hoà mời tất cả 11 người được hưởng quyền thừa kế mảnh đất rộng hơn 9000m2 để trao trả đất nhưng ba chị em bà Lan không được gọi (Bố mẹ bà Lan có ba người con đứng ngang hàng thừa kế với ông Phạm Em - PV).
Mãi đến khi nghe xóm giềng phản ánh, chị em bà Lan mới đến nhà anh họ Phạm Em hỏi rõ đầu đuôi thì được trả lời do không đóng chi phí để ông Em đi nhận lại đất nên không được chia phần.
Mặc dù bà Lan đại diện cho hai người em thẳng thắn đề nghị người anh con bác ruột cứ tính chi phí, bà sẽ trả đủ bởi lúc trước hoàn cảnh quá khó khăn. Khi bà Lan thắc mắc mảnh đất là của tổ tiên để lại, theo pháp luật thì tất cả con cháu được thừa hưởng như nhau, tại sao ba chị em bà không có phần liền bị ông Em tuyên bố khu đất giờ đã thuộc riêng ông.
“Ông ấy bảo đất của ổng, thích cho ai là quyền của mình. Ông còn thách chị em tôi kiện cáo sẽ hầu tới cùng. Cũng vì lời thách thức đó mà tôi rong ruổi hơn 13 năm nay tìm lại công bằng”, bà Lan bộc bạch
Thời điểm ở quê nhà rục rịch chuyện chia chác đất ông nội, bà Lan đang làm thuê tại một cơ sở sản xuất than tổ ong tận TP .HCM. Bà Lan được mẹ gọi về giải quyết. Xin nói thêm hoàn cảnh bà Lan rằng phụ nữ này goá chồng từ khi mang thai đứa con thứ năm nay đã 27 tuổi. Bà gửi lại 4 con lớn cho mẹ ruột, chỉ đưa đứa gái út lên TP.HCM sống chung. Nhận tin, bà gửi con cho một gia đình hiếm muộn cạnh chỗ trọ rồi về quê. “Lúc đó con út tôi chỉ mới ba tuổi, tôi vẫn chạy đi chạy về TP.HCM thăm cháu”, bà Lan nói.
Trong suốt thời gian này, mẹ con bà Lan vẫn không hề hay biết ông Phạm Em đang âm thầm hoàn tất thủ tục sang nhượng mảnh đất chung. Mãi đến năm 1996, bà Lan mới hay tin ông Em đã nhận lại đất xong xuôi nhưng chỉ tin đồn chứ chưa có bằng chứng rõ ràng.
Hai năm sau tin đồn trên thêm phần chắc chắn bởi nhiều xóm giềng cho hay ông Em đã tuyên bố trước xóm làng ông sẽ là chủ khu đất, thủ tục pháp lý chỉ là vấn đề thời gian.
Cùng năm này (năm 1998), bà Lan lên Sài Gòn thăm con nhỏ, bà tâm sự với gia đình trông nom con mình rằng hiện tại hoàn cảnh rất khó khăn. Vả lại sắp tới trong họ tộc có thể xảy ra kiện tụng nên chưa thể trả tiền công. Vợ chồng chủ nhà kia niềm nở đề nghị cứ để họ chăm đứa bé giúp đồng thời đưa cho bà Lan 3 chỉ vàng (thời điểm bấy giờ trị giá khoảng 1 triệu đồng) để bà về quê chuẩn bị kiện tụng nếu có, khi nào xong xuôi hãy đón cháu về.
Rong ruổi hơn thập niên tìm công lý
Trở lại diễn biến vụ khiếu kiện. Từ khi bị loại bỏ khỏi danh sách chia đất vào năm 2000, thỏa thuận với ông Phạm Em bất thành nên đã gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng tỉnh nhờ can thiệp. Đây cũng là cột mốc đánh dấu chặng đường dài rong ruổi tìm kiếm công bằng của phụ nữ này: “Tháng 6/2000 tôi gửi lá đơn đầu tiên lên phường, thành phố rồi đến tỉnh.
Ba tháng sau tôi tận mắt nhìn thấy tấm sổ đỏ khu đất của ông nội chỉ có tên vợ chồng ông Phạm Em. Tìm hiểu thêm tôi được biết sổ đỏ được cấp vào tháng 5/2001 dựa trên cở sở là quyết định số 3448/QĐ-UB ngày 1/8/2000 của UBND tỉnh Khánh Hoà công nhận diện tích đất 9.640m2 tại “Hốc ông Điểm” thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Phạm Em.
Tức là khi tôi có đơn khiếu kiện về khu đất nhưng cơ quan chức năng vẫn cấp sổ đỏ cho ông Phạm Em”, bà Lan bức xúc nói.
Gửi đơn khiếu kiện, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng từ năm 2000 nhưng mãi sáu năm sau bà Lan mới được TAND TP Nha Trang đưa ra xét xử. Tại phiên toà sơ thẩm, HĐXX phán quyết bà Lan không đủ bằng chứng, cơ sở thừa hưởng quyền thừa kế. Sau đó không lâu, toà án cấp phúc thẩm tỉnh Khánh Hoà cũng bác đơn kháng cáo của bà với lý do vụ khiếu kiện thừa kế đã hết thời hiệu. Kiên quyết đòi công bằng đến cùng, bà Lan tiếp tục làm đơn khiếu kiện vụ việc, tố cáo một số cán bộ thuộc chính quyền sở tại cố ý làm sai quy định pháp luật trong việc cấp giấy.
Nhớ lại chặng đường dài mang đơn thư đi khiếu kiện, bà Lan không nhớ rõ đã đến bao nhiêu cơ quan từ địa phương đến trung ương. Không nhớ bao nhiêu lần đứng giữa mưa đội đơn kêu oan. Lần gần đây nhất, ngày 2/7/2013, bà Lan lại tất tả đón xe khách ra Hà Nội gửi đơn lên Thanh tra Chính Phủ với hy vọng được trả lại công bằng.
Trở lại câu chuyện đứa con út bà Lan được gửi, bà kể từ sau lần tạm biệt con vào năm 1998 đã mất hoàn liên lạc với con gái: “Mấy tháng sau đó tôi có gọi điện thoại cho người nuôi giúp con nhưng số máy không liên lạc được. Cảm thấy bất an, bà Lan đón xe lên thăm con thì được biết gia đình kia đã chuyển đi nơi khác sống: “Có lẽ họ đưa tôi 3 chỉ vàng là có ý mua con tôi chăng. Cũng vì vụ kiện này mà tôi mất con”, người mẹ rớm lệ trải lòng.
Theo đuổi công lý, bà Lan còn cắn răng cam chịu nhiều nỗi đau tận cùng hơn. Bà nức nở cho biết đứa con gái thứ nhì của mình vì thấy cảnh bà thưa kiện khổ sở đã chấp nhận làm vợ một người nước ngoài đáng tuổi cha, tuổi chú: “Năm 19 tuổi nó thi trượt đại học rồi xin vào chạy bàn tại cửa hàng chuyên phục vụ khách Tây, tại đây có ông khách thích con bé và ngỏ ý cưới làm vợ.
Tôi không đồng ý bởi tuổi tác hai bên quá chênh lệch. Hiện nay con bé 27 tuổi nhưng con rể tôi đã ngoài 60 tuổi. Con bé tâm sự thấy gia cảnh nghèo khó nên hy sinh tuổi xuân để giúp tôi, mấy lần nó định tự tử vì tủi thân. Tất cả chỉ vì tôi”, nói đến đây bà Lan không kìm nổi dòng lệ ứ đọng sẵn trên mi mắt.
Người phụ nữ đã 13 năm theo đuổi kiện tụng dồn hết can đảm khẳng định: “Bao nhiêu khổ cực tôi đã trải qua. Tôi sẽ theo đuổi vụ kiện đến chừng nào đòi lại công bằng mới thôi. Điều khiến tôi bức xúc nhất là đến nay sau nhiều năm khiếu kiện nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có hồi âm”.
Theo Xa lộ pháp luật