Theo tờ báo trên, Nga có sở trường phát triển các vũ khí đáng sợ, ít nhất là theo các thông tin được công bố như các tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu ngầm robot với các đầu đạn có sức công phá bằng 100 triệu tấn thuốc nổ.
Tuy nhiên, đáng sợ nhất trong số các vũ khí này là hệ thống tên lửa phóng tự động không cần con người nhấn nút điều khiển trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân.
Hệ thống này được biết đến với tên “Bàn tay thần chết” hay “Perimeter”, một hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân tự động của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo National Interest, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước đã dấy lên lo ngại ở Nga rằng Mỹ sẽ một lần nữa triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân ở châu Âu như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong trường hợp đó, vì vấn đề địa lý, Nga sẽ cần triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể phóng từ đất Nga hoặc từ tàu ngầm tới đất Mỹ.
Như vậy, không loại trừ khả năng hệ thống “Bàn tay thần chết” khét tiếng sẽ trở lại và trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với trước kia.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 vừa qua, cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga Viktor Yesin tuyên bố, nếu Mỹ bắt đầu triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Âu, Nga sẽ xem xét áp dụng học thuyết tấn công hạt nhân phủ đầu.
Vẫn theo ông Yesin, Nga hiện không có phản ứng hiệu quả đối với tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu, nhưng “Bàn tay thần chết” vẫn còn hoạt động và sẽ được kích hoạt khi Nga lâm vào tình thế có ít phương tiện để phòng thủ sau cuộc tấn công đầu tiên của kẻ xâm lược.